Thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm, LMLM và tai xanh ngày 02/9/2018

Gửi lúc: 15:21, Ngày: 04-09-2018

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH

Dịch bệnh Cúm gia cầm
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.

Hiện nay, cả nước không có dịch bệnh Cúm gia cầm.

Dịch bệnh Lở mồm long móng gia súc (LMLM)
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh tại các địa phương.

Hiện nay, cả nước không có dịch LMLM.

Dịch bệnh Tai xanh trên lợn
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh tại các địa phương.

Hiện nay, cả nước không có dịch Tai xanh.

Nhận định tình hình dịch bệnh
a) Đối với Cúm gia cầm

– Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút CGC (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

– Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống CGC; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời; chủ động triển khai giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có dịch bệnh hoặc có mẫu giám sát cho kết quả dương tính với các chủng vi rút CGC có nguy cơ gây bệnh ở gia cầm và gây bệnh ở người; đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút CGC và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (Công văn số 2904/TY-DT ngày 28/12/2017) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

b) Đối với Dịch tả lợn Châu phi

– Dịch tả lợn Châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever – viết tắt là ASF) chưa được phát hiện tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, bệnh có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam là rất lớn.

– Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 01/8/2018, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc. Tính đến ngày 25/8/2018, tổng cộng đã có 04 ổ dịch Dịch tả lợn Châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con; mặt khác, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, CH Séc, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Môn-đô-va, Phần Lan, Rô-ma-ni, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a) báo cáo có Dịch tả lợn Châu Phi.

– Các biện pháp hiện tại được áp dụng tại các nước đang có dịch là tăng cường hệ thống thống giám sát để phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; thắt chặt kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học.

– Cục Thú y phối hợp với các cơ quan chuyên môn đang tiến hành theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên lợn nói chung và nguy cơ lây lan bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để kịp thời triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm của bệnh này vào Việt Nam; rà soát năng lực, xây dựng và ban hành quy trình chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để thống nhất áp dụng trong phạm vi toàn quốc; chuẩn bị các điều kiện, trang thiết bị và các nguyên vật liệu cần thiết để thực hiện chẩn đoán, xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

c) Đối với Lở mồm long móng

– Nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao.

– Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch; đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút LMLM và khuyến cáo sử dụng vắc xin năm 2018 (Công văn số 1635/TY-DT ngày 17/7/2018) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

d) Đối với Tai xanh trên lợn

– Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.

– Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan; đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (Công văn số 2904/TY-DT ngày 28/12/2017) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

II. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

– Ngày 30/8/2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công điện khẩn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.

– Các cơ quan, đơn vị thuộc Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật./.

Nguồn Cục Thú y

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số