Thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm, LMLM và tai xanh ngày 25/10/2018

Gửi lúc: 8:13, Ngày: 26-10-2018

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH

Dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC)
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh tại các địa phương.

Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông của tỉnh Đắk Lắk.

Dịch bệnh Lở mồm long móng gia súc (LMLM)
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch phát sinh tại các địa phương.

Hiện nay, cả nước không có dịch LMLM.

Dịch bệnh Tai xanh trên lợn
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch phát sinh tại các địa phương.

Hiện nay, cả nước không có dịch Tai xanh.

Nhận định tình hình dịch bệnh
a) Đối với CGC

– Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút CGC (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

– Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống CGC; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời; chủ động triển khai giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có dịch bệnh hoặc có mẫu giám sát cho kết quả dương tính với các chủng vi rút CGC có nguy cơ gây bệnh ở gia cầm và gây bệnh ở người; đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút CGC và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (Công văn số 2904/TY-DT ngày 28/12/2017) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

b) Đối với LMLM

– Nguy cơ phát sinh các ổ dịch trên đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM hoặc đàn gia súc khỏe mạnh được vận chuyển đến vùng có ổ dịch cũ là rất cao.

– Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch; đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút LMLM và khuyến cáo sử dụng vắc xin năm 2018 (Công văn số 1635/TY-DT ngày 17/7/2018) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

c) Đối với Tai xanh trên lợn

– Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.

– Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan; đồng thời căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2017 (Công văn số 2904/TY-DT ngày 28/12/2017) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam
a) Tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên thế giới

– Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 20/9/2018, đã có 19 quốc gia gồm: Bỉ, Bun-ga-ri, Cộng hòa Sát, Trung Quốc, Cote D’Ivoire (Bờ biển Ngà), Cộng hòa Séc, E-xtô-ni-a, Hung-ga-ri, Kê-ni-a, Lát-vi-a, Lít-va, Môn-đô-va, Ni-giê-ri-a, Ba Lan, Ru-ma-ni, Liên bang Nga, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Tổng số lợn bệnh là trên 361 nghìn con, số lợn chết vì bệnh là trân 119 nghìn con, tổng đàn lợn có nguy cơ, đã buộc phải tiêu hủy trên 745 nghìn con.

– Tại Trung Quốc: Theo thông tin cập nhật từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), tính từ ngày 03/8/2018 đến ngày 19/10/2018, Trung Quốc báo cáo tổng cộng có 49 ổ dịch xuất hiện tại 11 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Cát Lâm, Khu tự trị Nội Mông, Thiên Tân, Sơn Tây và tỉnh Vân Nam (giáp biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 210.500 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, kể từ ngày 17/10/2018, đã xuất hiện thêm 02 ổ dịch tại thành phố Chiêu Thông thuộc tỉnh Vân Nam (giáp biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam) làm tổng số 545 lợn mắc bệnh và tất cả 545 lợn này đã chết trong tổng đàn có nguy cơ là 1.107 con lợn.

b) Nhận định tình hình

Nguy cơ bệnh DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc, tại các địa phương có nhiều khách du lịch đến từ các nước, vùng có dịch bệnh là rất cao; hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân, vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín cũng có thể mang vi rút DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam.

c) Các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam

– Ngày 12/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1194/CĐ-TTg gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành phố, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

– Ngày 30/8/2018, Bộ trưởng ban hành Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các Bộ có liên quan về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.

– Ngày 30/8/2018, Cục Thú y đã ban hành Công văn số 2053/TY-DT gửi Sở NN&PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y để hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.

– Ngày 07/9/2018, Cục Thú y đã ban hành Công văn số 2105/KH-TY-DT về Kế hoạch chủ động triển khai giám sát để ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

II. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

Công tác phòng, chống dịch bệnh đã có ở Việt Nam
– Tiếp tục theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh ở các địa phương đặc biệt đối với bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, LMLM, Tai xanh, Dại.

– Tổ chức xin ý kiến và tiếp thu, giải trình dự thảo “Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019 – 2025”. Ngày 16/10/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019 – 2025”.

– Tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại năm 2018.

– Tiếp tục triển khai các chương trình giám sát chủ động sự lưu hành và biến đổi của vi rút Cúm gia cầm tại chợ buôn bán gia cầm sống, gia cầm nhập lậu; giám sát Cúm lợn; giám sát bệnh Dại; nghiên cứu bệnh LMLM.

– Tiếp tục hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức xây dựng và thực hiện các đề án về chuỗi sản xuất thịt lợn và chuỗi sản xuất thịt gà an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE để xuất khẩu.

Công tác ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam
– Theo dõi, cập nhật tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi ở các nước trên thế giới.

– Tổ chức triển khai các biện pháp phòng và ngăn chặn dịch bệnh theo Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 và Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

– Ngày 01/10/2018, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 7655/BNN-TY gửi các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố về việc xin ý kiến góp ý dự thảo “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi”.

– Các đoàn công tác của Cục Thú y đi hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

– Tiếp tục giám sát để ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

– Phối hợp với chuyên gia FAO để tăng cường năng lực xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

– Chuẩn bị các nội dung thông tin để cung cấp, trả lời phỏng vấn cho các cơ quan truyền thông đưa tin cảnh báo và đề nghị các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

3. Các đơn vị thuộc Cục Thú y: Tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật./.

Nguồn Cục Thú y

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số