Thủ tướng chỉ đạo trực tuyến phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Gửi lúc: 9:24, Ngày: 06-03-2019
Dịch đã xảy ra tại 7 tỉnh, thành phố là Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương.Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn dịch lan rộng chưa thực sự hiệu quả.

Virus dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã tấn công đàn lợn của hơn 20 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, từ tháng 8/2018 Chính phủ và các bộ, ngành đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch.

Doanh nghiệp chung sức chống dịch

Theo thông tin Phóng viên Báo NNVN nhận được bên lề Hội nghị, vừa qua, Chính phủ cũng đã hỗ trợ nhiều hóa chất sát trùng từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương có bệnh DTLCP tổ chức chống dịch.

Tuy nhiên, do đặc tính của bệnh DTLCP chưa có vacxin và thuốc điều trị, biện pháp duy nhất là bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn, trong đó công tác phun hóa chất sát trùng là giải pháp hết sức quan trọng để ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ mầm bệnh xẫm nhiễm, gây bệnh cho đàn lợn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo hội nghị

Để chung tay, chung sức bảo vệ đàn lợn tại các địa phương, nhất là các địa phương đang có bệnh DTLCP, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm chăn nuôi trong nước đã và đang tích cực hỗ trợ hóa chất sát trùng cho các địa phương phòng, chống bệnh DTLCP.

Cụ thể: Công ty Navetco hỗ trợ hóa chất khoảng 2,5 tỷ đồng, Công ty GreenFeed Việt Nam hỗ trợ hóa chất khoảng 2,2 tỷ đồng, Công ty Vetvaco hỗ trợ hóa chất khoảng 0,5 tỷ đồng, Công ty AMAVET, Công ty HANVET, Công ty Tập đoàn Thực phẩm Nam Hà Nội, Công ty TNHH SX thương mại Trại Việt…

Người chăn nuôi khử trùng chuồng trại

Không chống được, thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhận định: DTLCP là bệnh dịch rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi lợn. Bởi lẽ, virus gây bệnh lan truyền rất nhanh bằng nhiều con đường, nhiều hình thức và đã xâm nhập vào đàn lợn là tỷ lệ chết rất cao, thậm chí 100%. Trên thế giới chưa tìm ra vacxin phòng, chống. Nếu không khống chế được thì tổn hại về kinh tế sẽ rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị

Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Bởi vậy, ngay từ khi Trung Quốc xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào tháng 8/2018, ngày 30/8 Bộ NN-PTNT đã có văn bản báo cáo, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạo ngay các bộ, ngành, các tỉnh, thành triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó với dịch bệnh.

Tuy nhiên đây là dịch bệnh mới, lan truyền rất nhiều con đường khác nhau, Việt Nam có hơn 1.000km biên giới, hàng chục triệu lượt khách du lịch… nên từ tháng 2/2019 ổ dịch đầu tiên đã xuất hiện ở Hưng Yên và đến nay đã lan ra 7 tỉnh.

Qua công tác kiểm tra đánh giá tình hình cho thấy các địa phương đã vào cuộc rất gấp gáp, từ lãnh đạo tỉnh, huyện cho đến người dân đều áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn, tích cực tiêu độc khử trùng, phun vôi bột và tiêu huỷ khi có lợn mắc dịch. Tuy nhiên chúng ta có 14 triệu hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, bởi vậy việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.

Trong công tác phòng, chống một số ổ dịch tại địa phương cũng đã nảy sinh một số vấn đề về cơ chế chính sách. Thủ tướng cũng đã có ý kiến chỉ đạo để tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất để các địa phương triển khai hỗ trợ người dân trong phòng chống dịch, không để ảnh hưởng đến ngành hàng chăn nuôi.

Cấm vận chuyển, giết mổ lợn nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc

Trong năm 2018, Bộ NN-PTNT đã thành lập nhiều đoàn công tác liên ngành (có đại diện các bộ, ngành tham gia) đến các địa phương trọng điểm để phối hợp với địa phương tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, ngăn chặn DTLCP xâm nhiễm vào Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

Cục Thú y đã tổ chức lấy 6.000 mẫu xét nghiệm bệnh DTLCP đối với loại lợn, sản phẩm của lợn vận chuyển trái phép vào Việt Nam; tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh DTLCP nhập cảnh vào Việt Nam…

Lực lượng thú y địa phương căng mình phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột bao vây các ổ dịch

Tuy nhiên, tin không vui từ các trại lợn nhiễm DTLCP tại các tỉnh, thành liên tục dội về trong thời gian ngắn cho thấy, hoạt động ngăn chặn sự lây lan mầm bệnh trong nước chưa thực sự hiệu quả.

Nhằm tìm ra “cây gậy thép” dập DTLCP hiệu quả, sáng nay (4/3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo cuộc họp trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế DTLCP tại Trụ sở Bộ NN-PTNT (Hà Nội).

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, từ ngày 1/2 – 3/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương).

Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 338 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý, tiêu hủy ngay lập tức. Đến nay, chưa có ổ tịch nào qua 30 ngày.

Tác giả: Minh Phúc – Văn Việt Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số