Thực phẩm sạch, an toàn từ mô hình 3F

Gửi lúc: 7:17, Ngày: 13-10-2016
Thực phẩm protein động vật sản xuất theo mô hình 3F (TS. Kiều Minh Lực)

Thuật ngữ 3F được hình thành từ khái niệm “farm to fork” hay “từ trang trại đến bàn ăn” mà thế giới và Việt Nam chúng ta đã quen dùng. Tuy nhiên vào giữa những năm 2000 khi mà tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm mà đặc biệt là thịt heo nóng lên vì sử dụng các chất tăng trưởng nạc như clenbuterol, salbutamol thì tôi thấy rằng khái niệm từ trang trại đến bàn ăn không còn chứa đựng đầy đủ bản chất trong hoạt động kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, mà cần thiết phải bao hàm cả yếu tố thức ăn chăn nuôi (feed) trong chuỗi giá trị, và do vậy khái niệm 3F được mở rộng là feed-farm-fork. Trong đó tôi đặt vấn đề fork là chuỗi các hoạt động về chế biến, bảo quản và cung ứng thực phẩm. Tuy nhiên fork xem ra hơi Âu vì người Việt ít dùng nĩa mà dùng đũa nhiều hơn nên thuật ngữ 3F được đổi thành feed-farm-food (thức ăn chăn nuôi – trang trại – thực phẩm giàu protein động vật).

Nhìn tổng thể, khái niệm 3F chứa đựng ba nội dung quan trọng là: Cân đối cung cầu của chuỗi giá trị feed-farm-food trong chiến lược an ninh lương thực; hiệu quả của chuỗi giá trị sản xuất thực phẩm thông qua hệ thống feed-farm-food; và kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thông qua chuỗi feed-farm-food.

                           Thực phẩm  sạch và an toàn hơn khi việc chăn nuôi áp dụng theo mô hình 3F. Thực phầm của chăn nuôi  càng tăng thêm giá trị của mình trên thị trường quốc tế.

Thực phẩm sạch và an toàn hơn khi việc chăn nuôi áp dụng theo mô hình 3F. Thực phầm của chăn nuôi
càng tăng thêm giá trị của mình trên thị trường quốc tế.

1. Chiến lược an ninh lương thực của chuỗi feed-farm-food

Vấn đề thực tiễn rất rõ trong nền nông nghiệp nước ta hiện nay là cân đối cung cầu giữa feed và food mà báo chí đang đề cập là chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm tăng sản lượng feed để sản xuất food cho con người. Trong những thập niên 1970 và 1980 chúng ta sản xuất nhiều lúa gạo, rồi xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới và chúng ta cũng không phải nhập feed và food. Nhưng hiện nay chúng ta đang nhập cả thức ăn chăn nuôi lẫn sản phẩm chăn nuôi các loại thịt vì chúng ta mất cân đối feed-food. Chúng ta không tập trung cho sản xuất TACN với giá cả hợp lý thì làm sao chúng ta có thực phẩm giá rẻ cạnh tranh được với thế giới và hậu quả là thịt của thế giới tràn vào thị trường trong nước, người chăn nuôi Việt Nam phải bỏ cuộc. Chưa kể là việc gia tăng tiêu thụ thịt của người Việt hiện nay đã góp phần tiết kiệm một lượng rất lớn thức ăn giàu năng lượng từ lúa gạo. Tôi còn nhớ những năm 1970 tiêu chuẩn ăn của người Việt là 16-21 kg gạo/tháng và người dân vẫn cảm thấy luôn bị đói vì thiếu protein động vật. Khi chăn nuôi phát triển cung cấp ngày càng nhiều protein động vật thì hiện nay có ai ăn được 16-21kg gạo/tháng, chính vì vậy chúng ta nhanh chóng từ một nước thiếu ăn sang một nước thừa gạo xuất khẩu và đứng ở vị trí thứ 2 thế giới. Thành quả về xuất khẩu gạo này có công đóng góp của ngành chăn nuôi Việt Nam.

2. Hiệu quả kinh tế trong sản xuất thực phẩm của chuỗi feed-farm-food.

Không thể nói cứ chuyển được nhiều đất nông nghiệp sang trồng cây thức ăn chăn nuôi là ta sẽ có nhiều sản phẩm protein động vật. Bài toán là cân đối tỷ trọng các nguồn protein động vật trong nền kinh tế xã hội Việt Nam như thế nào ? Nhu cầu về sản lượng các sản phẩm protein động vật sẽ quyết định số lượng các loại vật nuôi khác nhau và quyết định sản lượng các loại cây trồng TACN khác nhau của nước ta.

Hiệu quả của chuỗi feed-farm-food còn được thể hiện trên góc độ khoa học về dinh dưỡng vật nuôi và dinh dưỡng người. Dinh dưỡng vật nuôi ở đây là cân đối thành phần các chất dinh dưỡng có trong TACN cho các loại vật nuôi khác nhau để vật nuôi sử dụng tối đa nguồn dinh dưỡng trong TACN vào việc sản xuất ra sản phẩm cho nhu cầu con người và giảm thiểu đào thải các chất dinh dưỡng dư thừa ra môi trường, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Dinh dưỡng cho con người ở đây được hiểu là việc bổ sung một số thành phần vào TACN sẽ có tác động trực tiếp đến giá trị dinh dưỡng của các sản phẩm chăn nuôi trứng, thịt, sữa. Ví dụ TACN có bổ sung selen sẽ giúp sản xuất ra sản phẩm chăn nuôi giàu selen giúp chống lão hóa và ung thư cho người tiêu dùng.

3. Hệ thống feed-farm-food trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày nay TACN đang được thay thế dần bằng loại phối trộn hoàn chỉnh sản xuất từ các nhà máy theo phương pháp công nghiệp. Các tiêu chí cơ bản cho các nhà máy này trước hết là hệ thống các tiêu chuẩn ISO. Kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào về mặt giá trị dinh dưỡng và hóa chất cấm, lưu mẫu, cân đối các dưỡng chất, phối trộn bằng máy móc hiện đại, đóng gói, kho thành phẩm là những yếu tố cơ bản trong kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi của một nhà máy sản xuất TACN. Các nhà máy TACN của CP đang thực hiện theo các tiêu chuẩn này.

Trang trại chăn nuôi phải được xây dựng ở khu vực xa khu dân cư, nên ưu tiên ở khu vực không có lợi thế trồng trọt nhằm làm gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất đai bằng cách tạo ra hệ thống cây trồng vật nuôi mới do có nguồn phân bón và nước tưới, nhưng cũng nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho chăn nuôi. Ngoài ra các giải pháp khoa học công nghệ về chuồng trại, giống, chăm sóc và sức khỏe vật nuôi cũng góp phần quan trọng trong sản xuất thực phẩm an toàn. CP đang lấy nguyên lý này trong phát triển trang trại chăn nuôi heo, gà và cả thủy sản.

CP đang ngày càng hoàn thiện hệ thống mô hình 3F trên tất cả các loại vật nuôi mà CP tham gia chăn nuôi như heo, gà đẻ trứng, gà thịt và thủy sản. Trong đó điển hình là ngành thủy sản mà sản phẩm cuối cùng hiện nay là tôm và cá tra được chế biến tại hai nhà máy tôm đông lạnh Huế, Thừa Thiên – Huế và nhà máy chế biến thủy sản Bến Tre. Các sản phẩm này được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật, Mỹ. Ngoài ra các sản phẩm thực phẩm cho thị trường trong nước được sản xuất từ các nhà máy chế biến thực phẩm Phú Nghĩa, Hà Nội, nhà máy chế biến thực phẩm Biên Hòa, Đồng Nai, hay gà quay Năm sao, trứng gà tươi CP, thịt heo CP đều là những sản phẩm từ mô hình 3F.

Mô hình 3F (feed-farm-food) chứa đựng nhiều giá trị về lý thuyết và thực tiễn do đó cần phải được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong sản xuất và kể cả xây dựng chiến lược sản xuất nguồn thực phẩm protein động vật.

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số