Xác định hệ gien của loài ruồi ký sinh gây hại trên cừu ở Ôx-trây-li-a

Gửi lúc: 14:22, Ngày: 29-11-2016
Loài ruồi Lucilia cuprina gây thiệt hại 280 triệu USD mỗi năm cho ngành chăn nuôi cừu của Ôx-trây-li-a. Tất cả 14.544 gien của loài này đã được xác định bởi nhóm nghiên cứu quốc tế, dẫn đầu là trường Đại học Melbourne. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications cung cấp những hiểu biết về sinh học phân tử của ruồi, các phân tử ở ruồi tương tác với phân tử sinh học của cừu như thế nào và quan trọng là loài ruồi này có tiềm năng phát triển đặc tính kháng thuốc. Việc xác định hệ gien của ruồi giúp tìm ra các loại vắc-xin giúp gia súc đề kháng lại loài ruồi gây hại này.

Các con giòi do loài ruồi này đẻ ra sống trên da cừu và xâm nhập các vết thương hở, ăn các mô và gây bệnh nặng về da. Đây là một loại bệnh rất khó kiểm soát ở gia súc.
Trưởng nhóm nghiên cứu về dự án, Tiến sĩ Clare Anstead thuộc Khoa Khoa học Nông nghiệp, Đại học Melbourne cho biết bản đồ hệ gien giúp ích rất nhiều cho việc tiêu diệt loài ruồi này. Loài ruồi Lucilia gây nên tới hơn 90% các ca bệnh về da ở gia súc tại Ôx-trây-li-a và Niu-zi-lân.
Loài ruồi này có khả năng tiến hóa để chống lại thuốc trừ sâu. Hiện đã có một số lượng lớn các nghiên cứu về phòng chống và kiểm soát bệnh trên da do ruồi gây ra, từ việc phát triển một loại vắc-xin, thuốc trừ sâu mới tấn công vào những bộ phận yếu ớt của ruồi, và thậm chí là các biện pháp kiểm soát sinh học với vi khuẩn và nấm. Nhưng không biện pháp nào hoàn toàn hiệu quả.
Các nhà khoa học cho biết: “Thật thú vị là chúng tôi đã xác định được hơn 2.000 gien của ruồi chưa từng có ở bất kỳ động vật hoặc thực vật nào khác. Một số gien giúp giải mã mối quan hệ ký sinh giữa loài ruồi này và cừu. Điều này có thể giúp các nhà khoa học đưa ra một phương pháp kiểm soát ruồi hoàn toàn mới”.
Loài ruồi này đã nhanh chóng phát triển sức đề kháng với các loại hóa chất dùng để tiêu diệt chúng. Giáo sư Phil Batterham tại Đại học Melbourne cho biết nghiên cứu này cho phép các nhà khoa học dự đoán đột biến gien ở ruồi có thể làm cho chúng kháng với hóa chất. Bước tiếp theo là cô lập các gien của ký sinh trùng cho phép sự tương tác giữa loài giòi ký sinh và cừu.
Một loại vắc-xin nhằm vào các gien này có thể ngăn chặn tình trạng giòi xuất hiện trên da của gia súc ở giai đoạn sớm nhất. Vắc-xin này có thể tiếp cận các protein quan trọng của những con giòi và giết chết chúng. Ngoài ra, các nhà khoa học còn có thể tạo nên các loại thuốc trừ sâu có chọn lọc giết loài giòi nhưng không gây hại cho gia súc.
Để giải mã bộ gien của loài ruồi, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một siêu máy tính và các biện pháp tin sinh học kỹ thuật để xử lý hàng tệp dữ liệu khổng lồ. Mục tiêu của họ là sử dụng một công nghệ mới gọi là CRISPR để ngăn chặn sự hoạt động của một số gien, bao gồm các gien về cảm giác mùi của loài ruồi.
Loài ruồi Lucilia cuprina là 1 trong 30 loài côn trùng có trình tự bộ gien được các nhà khoa học tại trường Đại học Melbourne khám phá ra. Đây là một phần của một dự án thí điểm để phân tích bộ gien của 5.000 loài động vật chân đốt có ý nghĩa quan trọng về mặt y tế, khoa học, kinh tế và nông nghiệp.
Tác giả: Lê Hồng Vân (theo phys.org)
Nguồn tin: Bộ NN&PTNT

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số