07 thách thức của ngành chăn nuôi lợn (heo) Việt Nam

Gửi lúc: 20:38, Ngày: 14-08-2023

1. Chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự được triển khai đồng bộ

Trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn lợn như Dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát thì việc chăn nuôi an toàn sinh học chưa được chủ trang trại thực sự quan tâm để triển khai thực hiện từ trước, trong và sau quá trình chăn nuôi, đặc biệt là khu vực chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa.

2. Tính chuyên nghiệp trong chăn nuôi của khu vực nông hộ, trang trại quy mô vừa và nhỏ chưa được cải thiện nhiều, giá thành sản xuất còn cao

Công tác quản trị kém, thiếu kiến thức cần thiết về an toàn sinh học, chế độ dinh dưỡng không phù hợp cho vật nuôi theo từng giai đoạn, dẫn đến năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản xuất cao, thường gặp rủi ro về dịch bệnh, thị trường. Quy mô sản xuất còn ở mức vừa và nhỏ nên không thể áp dụng các công nghệ hiện đại vào để tăng năng suất, chất lượng.

3.  Chênh lệch lớn giữa giá bán của người chăn nuôi (giá lợn hơi xuất chuống) và giá người tiêu dùng phải trả (giá thịt lợn thành phần đến tay người tiêu dùng); chưa xây dựng được thương hiệu và thực hiện quảng bá rộng rãi cho sản phẩm thịt lợn

Hệ thống sản xuất thiếu đồng bộ, không liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ; chưa chú trọng đến hoạt động giết mổ tập trung và chế biến công nghiệp, nhất là chế biến sâu làm giảm giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi trong nước, hạn chế tỷ trọng xuất khẩu.

4.  Chăn nuôi lợn vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đầu vào như con giống chất lượng cao và đặc biệt là nguyên liệu TACN

 Chưa hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để giảm giá thành chăn nuôi. Hằng năm, trong nước chỉ sản xuất được 35% nguyên liệu (để sản xuất khoảng 20 triệu tấn TACN công nghiệp), còn lại 65% phải nhập khẩu.

5. Chi phí cho sản xuất chăn nuôi ngày càng tăng do giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, chi phí cho chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh; chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày càng phức tạp tiếp tục tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

6. Sự toàn cầu hóa về thị trường tác động lớn đến các chuỗi cung ứng, cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi ngày càng diễn ra căng thẳng

Việt Nam là thành viên, đối tác tham gia với 17 Hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới nên yêu cầu sản phẩm chăn nuôi phải nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm hơn, giá thành sản xuất rẻ hơn mới có được lợi thế trong cạnh tranh.

7. Trong điều kiện thành tựu khoa học và công nghệ tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó được dự báo sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong việc quản lý, tổ chức hoạt động chăn nuôi

Xu hướng số hóa, chuyển đổi số gắn với chăn nuôi công nghệ cao, các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số sẽ phát triển mạnh.

Nguồn: Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam (www.nhachannuoi.vn)

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số