BỆNH HOẠI TỬ TUYẾN TỤY TRÊN CÁ HỒI
Bệnh hoại tử tuyến tụy (do IPNV) là bệnh mới lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Đây là bệnh nguy hiểm do vi rút gây ra trên cá hồi, gây chết với tỷ lệ cao cho cá nhỏ, có nguy cơ lây lan tại khu vực nuôi và khu vực xung quanh.
1. Tác nhân gây bệnh
Bệnh Hoại tử tuyến tụy do vi rút Infectious Pancreatic Necrosis Virus (IPNV) gây ra.
Loài cảm nhiễm: Nhiều loài cá biển và cá nước ngọt cảm nhiễm với IPNV như cá hồi (cá hồi vân, hồi Thái bình dương, cá hồi Đại tây dương, cá tuyết Đại Tây Dương, cá bơn Đại Tây Dương, các loài lươn, cá bơn …).
Vật chủ trung gian cơ học: chim ăn cá (bao gồm cả việc đi qua hệ thống tiêu hóa của chim), ký sinh trùng hút máu và nhuyễn thể ăn lọc như sò điệp.
2. Triệu chứng – Bệnh tích
Cá mắc bệnh có thể có một trong các triệu chứng dưới đây, một số trường hợp cá nhiễm tác nhân gây bệnh mà không có bất kì dấu hiệu nào. Các triệu chứng bệnh tích trên cá hồi như sau:
a. Đặc điểm tại các trại, ao bị bệnh
– Tỷ lệ chết gia tăng đột ngột và liên tục từ khi cá bột ăn lần đầu, đặc biệtởnhững cá thể lớn nhanh hơn. Cơ sở xảy ra tình trạng cá chết dai dẳng cỏ thể thời gian chết kéo dài, tỷ lệ chết tích lũy từ 10% đến 90%.
– Cá nằm yên dưới đáy bể, ao. Một số con bơi xoắn ốc.
b.Triệu chứng
– Phân dài, mỏng, có vệt màu trắng.
– Bụng sưng to, cơ thể sẫm màu (đen thân).
– Mang thường nhợt nhạt.
– Lồi mắt (popeye).
– Xuất huyết đôi khi xuất hiện ở vùng bụng, bao gồm cả vây bụng.
c. Bệnh tích
– Tổn thương và loét ở tuyến tụy, thực quản và dạ dày.
– Lá lách, thận, gan và tim của cá con nhợt nhạt bất thường.
– Ruột rỗng hoặc đầy chất nhầy trong.
– Gan, tụy hoại tử.
Bệnh có một số dấu hiệu giống với một số bệnh như: Bệnh thiếu máu do virút HPR-Deleted hoặc HPR0; bệnh do nhiễm vi rut Salmonid alpha (SAV); bệnh họai tử cơ quan tạo máu (IHN) à bệnh nhiễm trùng huyết do vi rut VSH.
3. Đặc điểm dịch tễ
– Bệnh lây lan từ cá bệnh sang cá khỏe qua mang hoặc đường tiêu hóa. Bệnh cũng lây từ cá bố mẹ bệnh sang cá con qua trứng, tinh dịch. Vi rút IPNV còn được phát tán từ những con cá mang trùng sống sót sau khi nhiễm bệnh, chúng không có triệu chứng nên nguy cơ lây cho đàn cá khỏe mạnh.
– Vi rút IPNV bài tiết qua phân, nước tiểu, dịch tiết trong quá trình đẻ và chất tiết nhầy.Vi rút được giải phóng nhiều hơn trong dịch nhầy của quá trình đẻ trứng.
– Bệnh thường xảy ra khi cá bị stress. Các yếu tố làm tăng nguy cơ cá bị stress bao gồm như việc cho cá ăn lần đầu tiên, thả nuôi với mật độ cao, biến động nhiệt độ, các hoạt động quản lý đòi hỏi phải bắt cá xử lý…Bệnh cũng thường bùng phát khi nhiệt độ nước ao xuống thấp (4°C) cũng như nhiệt độ cao (18°C).
– Bệnh có thể gây tỷ lệ chết cao (70%) ở cá hồi con (giai đoạn cá giống), với tỷ lệ tử vong từ 10% đến 90% đàn cá.
– Tỷ lệ chết cao nhất thường xảy ra ở các trại sản xuất giống nước ngọt ở cá bột và dưới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, bệnh IPN thường có ảnh hưởng lớn chủ yếu đối với cá hồi vân và cá hồi Đại Tây Dương sau khi chuyển từ nước ngọt sang nước biển.
Vi rút IPNV có thể sống được ở cả môi trường nước ngọt và nước mặn. Vi rút có khả năng tồn tại bền vững và kháng với việc khử trùng, điều này cho phép chúng có thể tồn tại trong nhiều điều kiện môi trường trên các dụng cụ nuôi như lưới và thùng chứa.
Đàn cá khỏe mạnh bị phơi nhiễm qua nước vận chuyển bị nhiễm vi rút, trứng nhiễm bệnh hoặc kí sinh trùng hút máu cá. Các loài chim ăn thịt và động vật thân mềm cũng là vật trung gian truyền vi rút IPNV.
Phân bố bệnh: Bệnh được phát hiện ở hầu hết các khu vực nuôi cá hồi lớn trên thế giới như: Khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á, bệnh không xuất hiện ở Châu Đại Dương.
4. Chẩn đoán xét nghiệm
Việc chẩn đoán bệnh có thể dựa vào triệu chứng, bệnh tích, tuy nhiên độ chính xác không cao và có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh có dấu hiệu bệnh khá giống nhau. Để khẳng định bệnh tốt nhất là sử dụng phương pháp xét nghiệm như Nested – PCR, Phương pháp RT-qPCR hoặc nuôi cấy tế bào.
5. Phòng chống bệnh
Hiện tại không có phương pháp điều trị hoặc vắc-xin hoàn toàn hiệu quả. Việc phòng bệnh chủ yếu được áp dụng là ngăn chặn việc tiếp xúc tác nhân gây bệnh với cá thông qua các biện pháp tổng hợp như:
– Tăng cường an toàn sinh học: Thả cá với mật độ thưa, vệ sinh khu vực nuôi. Dùng riêng dụng cụ cho từng ao và thực hiện khử trùng dụng cụ trước và sau khi sử dụng. Hệ thống cấp thoát nước riêng biệt.
– Mua cá giống: từ những cơ sở sạch bệnh hoặc cá giống có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh. Chỉ chọn đàn cá bố mẹ sạch bệnh cho sinh sản. Chỉ mua trứng từ cá từ các cơ sở sạch bệnh.
– Giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. Hằng ngày theo dõi, giám sát sức khỏe cá, trường hợp cá có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh (đen thân, lồi mắt, chướng bụng, bỏ ăn, bơi tách đàn…): Tiến hành bắt và xử lý ngay khi phát hiện; sử dụng dụng cụ chăm sóc riêng cho từng ao.
– Không xả nước tại các ao có cá mắc bệnh sang các ao nuôi khác của cơ sở và thực hiện tiêu độc, khử trùng, xử lý mầm bệnh trước khi xả ra ngoài môi trường.
– Khử trùng nước trong ao nuôi, chất thải, công cụ, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi, có thể sử dụng Chlorine nồng độ 30ppm hoặc hóa chất (được phép lưu hành) hoặc phương pháp khác có tác dụng tương đương để tiêu diệt mầm bệnh;
– Không nhập, thả cá giống vào cơ sở cho đến khi xử lý xong dịch bệnh. Đối với đàn cá đạt kích cỡ thương phẩm, cơ sở lập phương án thu hoạch an toàn nhằm hạn chế bệnh lây lan và gây thiệt hại cho cơ sở.
– Nâng cao sức đề kháng cho cá thông qua chế độ cho ăn hợp lý, bổ sung dưỡng chất định kì cho cá, giảm các tác động có thể gây stress cho cá trong quá trình nuôi./.
Nguyễn Duy Triệu – Phòng Chăn nuôi, Thủy sản