Bệnh nấm mang ở cá và biện pháp phòng trị bệnh

Gửi lúc: 16:13, Ngày: 09-06-2023

Theo kết quả quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Sa Pa, Bảo Thắng, Bắc Hà, Bát Xát) đến tháng 5/2023; có 36/48 mẫu dương tính (+) với bệnh nấm. Để người nuôi trồng thủy sản hiểu biết về bệnh Nấm mang cá và cách phòng trị bệnh. Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Lào Cai hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật phòng chống bệnh Nấm cá và các biện pháp phòng chống bệnh như sau:

Tác nhân gây bệnh: do một số loài của giống Dermocystidium sp, Branchiomyces sp.

Ngoài ra còn do chất lượng nguồn nước bị xuống cấp, trong hồ có cá chết nhưng không được dọn, làm vệ sinh ao nuôi kịp thời khiến nguồn nước bị bẩn.

Bị lây nhiễm từ cá đã bị bệnh từ trước trong ao nuôi. Những mầm bệnh, vi khuẩn sẽ tồn tại trong môi trường nước và bắt đầu lây lan qua nhiều cá thể khác.

Ảnh: Bón vôi cải tạo ao nuôi trồng thủy sản

– Dấu hiệu bệnh lý: Các bào tử nấm bám vào mang phát triển thành sợi nấm ăn sâu vào các tổ chức của mang và phân nhánh luồn vào các mao huyết quản như con giun phá hoạt các tổ chức mang, lấp kín các mao huyết quản làm mất tác dụng hô hấp của mang. Mang chuyển màu hồng nhạt, hoặc trắng bạc cùng với sự phát triển của bệnh. Bệnh phát triển rất nhanh làm cá bột, cá giống có thể chết hàng loạt.

Các bào tử nấm bám vào da làm cho cá bị thương, cản trở hô hấp. Cá giảm ăn, bơi lờ đờ, bỏ ăn, yếu và chết. 

Ảnh: Cá mắc bệnh nấm mang

– Phân bố và lan truyền bệnh: Bệnh thường gặp ở cá bộtcá giống, cá thịt. Bệnh xuất hiện ở các ao bẩn, nhất là các ao có hàm lượng chất hữu cơ cao.

Mùa phát bệnh: Cuối xuân, đầu hè, mùa thu ở miền Bắc, mùa mùa mưa ở miền Nam.

– Phòng và trị bệnh:

Phòng bệnh:

Thả nuôi theo khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành; cần kiểm soát lượng thức ăn khi cho ăn, tránh lượng thức ăn dư thừa tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, quản lý tốt nguồn nước, thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu khí độc như: NO2, H2S, NH3, pH, Oxy… để có biện pháp xử lý kịp thời khi ao nuôi bị biến động.

Trong suốt vụ nuôi nên sử dụng bổ sung men vi sinh định kỳ để xử lý các vấn đề như cặn bẩn hữu cơ, thức ăn dư thừa, phân cá,…ổn định pH và cải thiện màu nước trong ao nuôi.

Trị bệnh:

+ Cách 1: Dùng thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 5 – 7gam/m3 trong thời gian 10 – 15 phút. Sử dụng máy sục khí, quạt nước trong quá trình điều trị. Ngâm nhắc lại sau 2 ngày, 4 ngày, 6 ngày với liều lượng 2 – 3gam/m3.

+ Cách 2: Dùng hóa chất Bronopol hoặc các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để điều trị nấm, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Phan Thị Hảo – Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số