CÁC BIỆN PHÁP TÁI SẢN XUẤT ĐÀN LỢN AN TOÀN, HIỆU QUẢ

Gửi lúc: 13:36, Ngày: 24-07-2017

Hiện nay giá lợn đang có xu hướng tăng nhanh, tuy nhiên cũng rất khó dự báo tình hình thị trường. Vì vậy để giúp các cơ sở, hộ chăn nuôi khôi phục phát triển chăn nuôi lợn theo nhu cầu thị trường đảm bảo cân đối nguồn cung – cầu, an toàn, hiệu quả bền vững, ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:
– Về sản xuất giống lợn: rà soát loại thải lợn nái kém chất lượng; vùng cao tiếp tục bình tuyển, chọn lọc bổ sung thêm đàn nái bản địa có chất lượng tốt, vùng thấp chuyển đổi cơ cấu đàn nái, sử dụng các giống lợn ngoại, lợn lai có tỷ lệ máu ngoại cao phù hợp với điều kiện chăn nuôi thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thời gian qua nhiều hộ chăn nuôi tạm dừng việc phối giống cho đàn lợn nái sinh sản, nên hiện nay đang có tình trạng khan hiếm con giống do nhiều hộ có nhu cầu tái đàn. Để có con giống tái đàn, lợn thịt xuất chuồng cân đối nguồn cung – cầu, giảm thiểu rủi ro vì giá sụt giảm, các hộ nên có kế hoạch phối giống rải vụ.

– Việc tái đàn lợn thịt: Hiện nay giá lợn giống đang tăng cao, các hộ nên thận trọng xem xét thị trường, tái đàn từ từ, không nên vào giống đủ quy mô như giai đoạn trước.
Đối với các hộ phải mua con giống cần lưu ý: chỉ mua con giống ở những vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, giống có giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu nhập từ ngoài tỉnh), khỏe mạnh, chất lượng tốt.
– Sử dụng thức ăn chăn nuôi:
Chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp cần lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt của các công ty có uy tín, có trong danh mục thức ăn được phép lưu hành tại Việt Nam. Tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Sử dụng thêm nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có, các phụ phẩm khác, thực hiện các biện pháp ủ men vi sinh làm tăng khả năng hấp thu thức ăn để hạ giá thành và tăng chất lượng sản phẩm (đặc biệt đối với chăn nuôi lợn đen bản địa).
Nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn bằng thức ăn bổ sung thảo dược để nâng cao chất lượng, giá trị và sản phẩm.
– Phòng chống dịch bệnh: thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi (tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo độ tuổi, kiểm dịch, giám sát dịch, vệ sinh tiêu độc chồng trại…).
– Tổ chức lại sản xuất: người chăn nuôi cần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, chủ động liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch sản xuất theo khả năng thị trường; hợp đồng trực tiếp với đơn vị cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, có trách nhiệm chia sẻ rủi ro khi lợn rớt giá.
– Thực hiện quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm: tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trang trại xây dựng cơ sở giết mổ để thực hiện chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn./.

Phạm Thị Hoa
Phó CCT- Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số