Cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn đen địa phương

Gửi lúc: 14:43, Ngày: 20-10-2023

Giống lợn đen địa phương dễ nuôi, có sức đề kháng tốt với dịch bệnh và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và tập quán canh tác của người dân vùng cao; chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng; sản phẩm thịt lợn đen Lào Cai có thị trường tiêu thụ ổn định trong tỉnh, một phần nhỏ xuất ra ngoài tỉnh. Bên cạnh đó giống lợn đen địa phương còn một số nhược điểm như: sinh trưởng phát triển chậm, tỷ lệ mỡ cao. Vì vậy cần cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng đàn lợn đen địa phương để phát triển chăn nuôi hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Năm 2022, tổng đàn lợn của tỉnh 430.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 45.500 tấn, chiếm 65% tổng sản lượng thịt hơi các loại của tỉnh, trong đó đàn lợn đen địa phương chiếm khoảng 50% tổng đàn lợn của tỉnh và sản lượng chiếm khoảng 40% tổng sản lượng thịt lợn của tỉnh. Phương thức chăn nuôi lợn đen bản địa hiện nay chủ yếu các hộ gia đình vẫn duy trì chăn nuôi theo phương thức truyền thống quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ; việc phát triển chăn nuôi chưa quan tâm đến bình tuyển, chọn lọc, cải tạo để nâng cao chất lượng con giống do đó lợn đen địa phương hiện nay có tỷ lệ nạc thấp nên giá bán không cao, có nhiều thời điểm giá thịt lợn đen chỉ bằng hoặc thấp hơn giá thịt lợn siêu nạc; việc áp dụng, cải tiến kỹ thuật chăn nuôi mới chưa nhiều nên năng suất thấp, hiệu quả chăn nuôi chưa cao. 

Ảnh: Phối giống cho đàn lợn đen bản địa bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo – Đàn lợn lai F1 (½ máu lợn đen bản địa x ½ Duroc)

Để cải tạo đàn lợn đen địa phương trước tiên cần bình tuyển, chọn lọc đàn lợn nái bản địa, sử dụng tinh lợn ngoại Duroc để phối giống để tạo ra con lai F1 (½ máu lợn đen bản địa x ½ Duroc) hoặc chọn lọc lợn nái từ đàn F1 tiếp tục cho lai với giống lợn ngoại Duroc để tạo ra con lai F2 (½ máu lợn đen bản địa x 3/4 Duroc) nuôi thương phẩm. Nuôi thương phẩm con lai F1, F2 và lợn đen địa phương cùng một chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng để đạt đến khối lượng 100kg thì lợn lai có thời gian nuôi ngắn hơn 2 – 3 tháng, tỷ lệ nạc cao hơn từ 10-15%, thì thời gian nuôi ngắn hơn nhưng vẫn giữ được chất lượng thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ, giá bán tương đương với giá lợn đen bản địa. có khả năng sinh trưởng phát triển nhanh, tỷ lệ nạc cao hơn giống lợn đen bản địa nhưng vẫn giữ được chất lượng thịt thơm ngon, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu vùng cao.

Trong những năm gần đây việc áp dụng công thức lai trên để cải tạo đàn lợn đen địa phương đã được một số hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát thực hiện khá tốt, việc phối giống cho đàn lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo đã khắc phục được tình trạng giao phối cận huyết ở đàn lợn bản địa, hạn chế dịch bệnh lây lan.

Để phát triển đàn lợn đen bản địa theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao năng suất, nhưng vẫn giữ được các đặc tính riêng có của lợn đen bản địa, chất lượng thịt thơm ngon; cải tiến phương pháp chăn nuôi để nâng cao năng suất, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí sản xuất và công lao động, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng giá trị sản phẩm; góp phần tăng nhanh đàn lợn của tỉnh, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp cần đẩy mạnh việc truyên truyền, vận động, khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường bình tuyển, chọn lọc đàn lợn nái đen bản địa, thực hiện lai tạo đàn lợn bằng phương pháp phối giống nhân tạo để tạo vùng nguyên liệu bền vững và thị trường tiêu thụ ổn định tiến tới đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng hàng ngày và nhu cầu của khách du lịch đến Lào Cai./.  

Đồng Thị Vĩnh Hằng – Chi cục Chăn nuôi và Thú y

 

 

 

 

 

 

 

 

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số