CHỦ ĐỘNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH CHO ĐÀN VẬT NUÔI SAU MƯA LŨ

Gửi lúc: 13:40, Ngày: 24-07-2017

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra mưa trên diện rộng, gây ngập lụt tại nhiều địa phương, làm thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi.
Sau mưa lũ, nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm khan hiếm, khí hậu ẩm ướt đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm; mưa lũ đã làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường tại nhiều khu vực do các loại bùn đất, rác thải, thực vật, xác động vật trôi nổi mang theo mầm bệnh gây ra, nếu không được xử lý kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh dịch một số dịch bệnh trên đàn vật nuôi: Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Niu – cát – sơn, bệnh chướng hơi dạ cỏ, viêm móng, thối móng ở gia súc và một số bệnh đường tiêu hóa trên lợn và gia cầm, bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về kinh tế, cũng như bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, người chăn nuôi cần khẩn trương xử lý môi trường, chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Cụ thể:
Một là, thu gom rác thải, thực vật, bùn đất và xử lý xác vật nuôi:
Tích cực khơi thông cống rãnh thoát nước và thu gom các loại rác thải, thực vật, bùn đất để xử lý hợp vệ sinh.
Phương pháp xử lý xác vật nuôi hiệu quả nhất là phương pháp đốt, phun thuốc diệt côn trùng hoặc thuốc sát trùng hoặc tưới dầu hỏa lên xác động vật để chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp cùng với thuốc sát trùng và theo hướng dẫn của cơ quan thú y, vị trí chôn lấp cách xa các nguồn nước, giếng nước, nhà dân.
Hai là, tổng vệ sinh, tiêu độc môi trường khu vực chăn nuôi, chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi.
Vệ sinh, tiêu độc môi trường khu vực chăn nuôi, chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi theo nguyên tắc: Làm sạch cơ học trước khi tiêu độc khử trùng; vệ sinh tiêu độc, khử trùng phải được thực hiện từ khu vực sạch đến khu vực bẩn; tuyệt đối không làm ngược lại. Cần chuẩn bị đầy đủ, dụng cụ hóa chất: chổi, cuốc, xẻng, bình máy, dụng cụ bảo hộ, thuốc sát trùng… Người tham gia trực tiếp phun hóa chất tiêu độc khử trùng phải có đầy đủ bảo hộ lao động, tuân thủ từng bước tiêu độc khử trùng theo quy định.
Các bước cần tiến hành như sau: Dọn bùn, rác, cây bụi, khơi thông cống, rãnh, thau rửa sạch dụng cụ, thiết bị chuồng trại chăn nuôi, bảo dưỡng công trình ngầm, công trình xử lý môi trường chất thải chăn nuôi.
– Khi chưa có dịch xảy ra:
+ Đối với chuồng trống: Làm sạch khu vực chuồng trại; tháo gỡ các vật dụng trong chuồng nuôi và xếp ra ngoài để vệ sinh tiêu độc; thu gom toàn bộ phân, chất độn chuồng chôn hoặc đốt. Khi mặt bằng toàn bộ khu chăn nuôi đã khô, sạch sử dụng hóa chất khử trùng có trong danh mục được phép sử dụng (Iodcid, Halamin, Benkocid…) phun toàn bộ nền chuồng, thành chuồng và xung quanh chuồng nuôi, thực hiện phun 3 lần (2 ngày phun một lần); trước khi nuôi trở lại tiến hành phun tiêu độc khử trùng lại (phun 01 lần), sau ít nhất 12 giờ mới tiến hành thả nuôi gia súc, gia cầm vào trong chuồng.

Ảnh minh họa: Ảnh phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại

+ Đối với dụng cụ chăn nuôi: Thu dọn vật dụng chăn nuôi ra khỏi chuồng. Dùng nước rửa sạch dụng cụ trước khi sát trùng. Ngâm máng ăn, máng uống trong dung dịch thuốc sát trùng sau thời gian ít nhất 60 – 120 phút và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
+ Sử dụng một số loại hóa chất hóa chất sát trùng với liều lượng như sau:
Iodcid: Tỷ lệ pha loãng 1/500 – 1/600 (20ml hóa chất pha trong 10 lít nước sạch).
Benkocid: Tỷ lệ pha loãng 1/400-500 (20 – 25ml hóa chất pha trong 10 lít nước sạch).
Halamin: Pha 200g hóa chất với 10 lít nước sạch.
Mỗi lít dung dịch đã pha phun 4 – 5m2 bề mặt cần sát trùng.

– Khi có dịch xảy ra
+ Đối với ổ dịch: Tổ chức phun khử trùng xung quanh ổ dịch ngày 1 – 2 lần cho đến khi hết dịch (khi phun phải phun từ ngoài vào ổ dịch)
+ Đối với khu vực xung quanh ổ dịch, vùng giáp ranh tổ chức phun 1 tuần 2 lần: phun toàn bộ xung quanh chuồng nuôi, lối đi lại…
+ Sử dụng một số loại hóa chất sát trùng phun với liều lượng như sau:
Iodcid: Bệnh Cúm gia cầm, tỷ lệ pha loãng 1/125 (80ml hóa chất pha trong 10 lít nước); bệnh Lở mồm long móng, tỷ lệ pha loãng 1/350 (30ml hóa chất pha trong 10 lít nước); bệnh Tai xanh, tỷ lệ pha loãng 1/180 (60ml hóa chất pha trong 10 lít nước).
Benkocid: tỷ lệ pha loãng 1/250 -1/300 (40ml hóa chất pha trong 10 lít nước).
Mỗi lít hóa chất đã pha phun 2 – 3m2 bề mặt cần sát trùng.
Ba là, cần tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi:
Sau mưa lũ, vật nuôi cần được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, không bị bỏ đói hoặc ăn những loại thức ăn tận dụng, thiếu dinh dưỡng, bị mốc, kém chất lượng.
Thức ăn (cỏ, rơm) phải rửa sạch bùn đất, sử dụng nguồn nước sạch, không cho gia súc uống nước ở những nơi tù đọng, nhiều bùn đất. Cung cấp đầy đủ thức ăn thô xanh, tăng lượng thức ăn tinh bột cho trâu bò; đưa trâu bò đến chăn thả ở các khu vực đồng cỏ không bị ngập úng.
Đối với gia súc già yếu và gia súc non cần có chế độ chăm sóc đặc biệt, bổ sung thêm thức ăn tinh, muối khoáng, thuốc trợ sức, trợ lực như các loại Vitamin, B-complex, chất điện giải… để tăng sức đề kháng dịch bệnh cho vật nuôi, giúp nhanh hồi phục và tăng trưởng bình thường.
Chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm: Tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho trâu bò, dê; tiêm phòng dịch tả, tụ huyết trùng cho đàn lợn và tiêm phòng cúm gia cầm, niu – cát – sơn, dịch tả vịt…cho đàn gia cầm.
Hạn chế sử dụng kháng sinh, các chất kích thích tăng trọng để có thực phẩm an toàn cho sức khỏe cộng đồng.
Người chăn nuôi cần quan tâm, theo dõi, chăm sóc, nuôi dưỡng đàn vật nuôi để chúng nhanh hồi phục, phát triển trở lại cũng như kịp thời phát hiện sớm dịch bệnh phát sinh để cách ly, điều trị kịp thời, tránh thiệt hại về kinh tế, góp phần ổn định sản xuất./.

Đào Minh Huệ – Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số