Chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị triển khai công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2018

Gửi lúc: 15:04, Ngày: 22-01-2018

Trong những năm qua, công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi có nhiều chuyển biến tích cực và đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Năm 2017, toàn tỉnh triển khai tiêm phòng được trên 3 triệu liều vắc xin các loại cho đàn gia súc, gia cầm, đạt 101,6% KH tỉnh giao. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động xây dựng kế hoạch và lấy mẫu giám sát để xác định hiệu giá bảo hộ của vắc xin sau tiêm phòng. Kết quả 58 % mẫu đạt hiệu giá bảo hộ với vắc xin cúm gia cầm; 77,2% mẫu đạt hiệu giá bảo hộ đối với vắc xin Lở mồm long móng trâu bò.
Để chủ động cho công tác tiêm phòng vắc xin, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi năm 2018 và nâng cao chất lượng, hiệu quả của tiêm phòng, ngay từ đầu năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành kế hoạch triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm 2018, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí mua gần 3 triệu liều vắc xin bắt buộc các loại để tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo quy định tại 164 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh: Vắc xin Lở mồm long móng trâu bò: 231.500 liều; vắc xin Tụ huyết trùng trâu bò: 231.500 liều; vắc xin Dịch tả lợn: 267.000 liều; vắc xin Tụ huyết trùng lợn: 204.000 liều; vắc xin tai xanh 7.500 liều; vắc xin cúm gia cầm: 2.000.000 liều.
Trung ương và tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho công tác tiêm phòng vắc xin, cụ thể: Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ cấp không thu tiền các loại vắc xin: Vắc xin Lở mồm long móng, vắc xin Tụ huyết trùng để tiêm phòng cho đàn trâu bò; vắc xin Cúm gia cầm tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm; vắc xin Dại tiêm phòng cho đàn chó trên địa bàn toàn tỉnh; hỗ trợ 2.000đồng/01 mũi tiêm cho trâu bò.
Hỗ trợ cấp không thu tiền: Vắc xin Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng lợn để tiêm phòng cho đàn lợn tại các huyện (Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Sa Pa) và TP Lào Cai; Vắc xin Dịch tả lợn, Tai xanh để tiêm phòng cho đàn lợn tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai.
Ngoài các loại vắc xin phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định, khuyến khích người chăn nuôi đầu tư kinh phí tiêm phòng thêm các loại vắc xin khác cho đàn gia súc, gia cầm như: Lép tô, Suyễn, E.coli, viêm phổi màng phổi, Lở mồm long móng lợn, Tai xanh (trừ 03 huyện 30a), Niu cát sơn, Tụ huyết trùng gia cầm, Gum boro… và chi trả công tiêm phòng cho người đi tiêm theo quy định tại Thông tư số 283/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính.
Theo Kế hoạch, năm 2018 toàn tỉnh sẽ tổ chức tiêm phòng tập trung vào hai đợt chính: Đợt 1 vào tháng 3 – 4 và Đợt 2 vào tháng 9 – 10. Đối với vắc xin Dại tiêm cho đàn chó tập trung vào tháng 3 – 4, các tháng còn lại trong năm thực hiện tiêm phòng bổ sung. Đối với đàn lợn, gia cầm triển khai tiêm phòng liên tục tất cả các tháng trong năm.
Ngoài thời gian tiêm phòng định kỳ 02 đợt chính nêu trên, các địa phương cần tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh, đàn gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định và tiêm phòng đột suất bao vây khi có ổ dịch phát sinh, đảm bảo về tiến độ, thời gian và chất lượng tiêm phòng.

Ảnh minh họa: Tiêm phòng vắc xin

Các địa phương căn cứ điều kiện chăn nuôi, khí hậu thời tiết, đặc điểm của từng vùng để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ cung ứng vắc xin, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các địa phương tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở đăng ký nhu cầu vắc xin của của các huyện, thành phố và ngân sách Tài chính cấp năm 2018. Sau mỗi đợt tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng kế hoạch kiểm tra, lấy mẫu giám sát để đánh giá hiệu giá bảo hộ của vắc xin sau tiêm phòng. Đây cũng là một trong những cơ sở để đánh giá chất lượng, hiệu quả của công tác tiêm phòng vắc xin trên địa bàn huyện, thành phố.
Tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi để tạo miễn dịch chủ động, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra; tạo điều kiện để chăn nuôi phát triển ổn định; ngăn ngừa sự lây nhiễm bệnh từ động vật truyền sang người, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vì vậy, công tác tiêm phòng vắc xin cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và sự chủ động, phối hợp của người chăn nuôi./.

Đào Minh Huệ
Chi cục Chăn nuôi và thú y lào Cai

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số