Công tác Chăn nuôi và Thú y tháng 9 tháng đầu năm 2023

Gửi lúc: 15:40, Ngày: 18-09-2023

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của UBND các huyện, thị xã, thành phố, Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế về công tác quản lý chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, quản lý dịch bệnh, quản lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản cơ bản đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra; UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, hướng hữu cơ và nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh; chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, công tác quản lý thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi cơ bản được các huyện chỉ đạo sát sao.

Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo động lực mới để phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi, thủy sản của tỉnh. Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật của tỉnh đã tạo động lực và thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Trong 9 tháng đầu năm 2023 chi cục Chăn nuôi và Thú y đạt được kết quả cụ thể như sau:

1. Công tác Chăn nuôi và Thủy sản

– Tổng đàn, sản lượng chăn nuôi: Ước thực hiện 9 tháng đầu năm (đến 30/9): tổng đàn gia súc 607.300 con, đạt 99,88% KH năm (608.000 con) và bằng 101,56 % CK; tổng đàn gia cầm 5.100 nghìn con, đạt 100% KH năm (5.100 nghìn con) và bằng 100,39 % CK; sản lượng thịt hơi xuất chuồng 55.000 tấn, đạt 79,37% KH năm (69.300 tấn) và bằng 102,61% CK.

– Giá trị sản xuất chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2023 (theo giá hiện hành) ước đạt 5.100 tỷ đồng.

– Phát triển chăn nuôi trang trại: Toàn tỉnh hiện có 269 trang trại chăn nuôi đáp ứng điều kiện chăn nuôi trang trại, trong đó: 177 trang trại quy mô nhỏ, 92 trang trại quy mô vừa (xếp loại trang trại theo quy mô chăn nuôi quy định tại Điều 21 Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 và Nghị định số 46/2022/ ngày 13/7/2022 của Chính phủ); trong đó có 111 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí kinh tế trang trại có giá trị sản xuất đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên (theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT), chiếm 94,07% tổng số 118 trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại của toàn tỉnh.

– Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Toàn tỉnh có 10 cơ sở chăn nuôi trang trại ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bảo Thắng, Bắc Hà hiện đang phát triển tốt, trong đó: 02 cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản; 07 cơ sở chăn nuôi lợn thịt theo quy mô chăn nuôi từ 300 đến 2.000 con; 01 cơ sở chăn nuôi gia cầm thịt, quy mô chăn nuôi thường xuyên trên 10.000 con.

– Chăn nuôi theo chuỗi và liên kết chăn nuôi: Toàn tỉnh hiện có 03 chuỗi sản phẩm chăn nuôi đang phát triển: Chuỗi lợn đen bản địa của Công ty TNHH Anh Nguyên tại thị trấn Bắc Hà, quy mô 100 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt; Chuỗi liên kết chăn nuôi gia súc, gia cầm Quý Hiền quy mô thường xuyên 500 – 700 con nái và 07 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô thường xuyên 300 – 2.000 con lợn thịt; Chuỗi liên kết chăn nuôi của HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm Xuân Tiến, quy mô từ (150.000 con/năm).

Ảnh mô hình chăn nuôi trang trại tại huyện Bảo Yên và huyện Bảo Thắng

– Quản lý môi trường chăn nuôi: chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng các hướng dẫn trình tự, thủ tục hồ sơ đánh giá, thực hiện thẩm định chỉ tiêu 17.8, 17.9 trong tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 87.115 hộ chăn nuôi, trong đó số hộ có biện pháp bảo vệ môi trường là 65.912 hộ, chiếm 75,66% (khoảng 7.000 hộ thực hiện xử lý chất thải chăn nuôi bằng Biogas, 5.199 hộ chăn nuôi trên đệm lót sinh học); 21.203 số hộ chưa có chuồng nuôi nhốt gia súc hoặc chưa có hố ủ phân, chứa phân, không đảm bảo vệ sinh môi trường, chiếm 24,44% (trong đó 9.004 hộ chưa có chuồng nuôi nhốt gia súc, 12.194 hộ chưa có hố ủ phân, chứa phân).

– Công tác phòng chống thiên tai cho đàn vật nuôi: Tổng số hộ chăn nuôi gia súc lớn toàn tỉnh hiện có 44.128 hộ; tổng đàn gia súc lớn toàn tỉnh 127.463 con. Diện tích trồng cỏ toàn tỉnh hiện có 2.854,17 ha, sản lượng ước đạt khoảng 700 nghìn tấn, đáp ứng được trên 50% nhu cầu thức ăn xanh cho đàn gia súc lớn. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra cho đàn gia súc trong vụ Đông Xuân 2022-2023, Chi cục đã chủ động và kịp thời tham mưu các văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Kết quả, đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có thiệt hại về gia súc.

– Diện tích nuôi trồng và sản lượng thuỷ sản: Ước thực hiện 9 tháng đầu năm (đến 30/9): diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên ao hồ nhỏ 2.280 ha, đạt 99,13% KH năm (2.300 ha) và bằng 101,33 % CK; sản lượng thủy sản 9.300 tấn, đạt 76,23% KH năm (12.200 tấn) và bằng 108,14 % CK.

– Giá trị sản xuất thủy sản 9 tháng đầu năm 2023 (theo giá hiện hành) ước đạt 710 tỷ đồng.

– Phát triển trang trại: Toàn tỉnh hiện có 04 trang trại nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chí kinh tế trang trại, có giá trị sản xuất đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên (theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).

– Kế hoạch Quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản: Trong 9 tháng đã thực hiện 198 mẫu, 1.026 chỉ tiêu phân tích (trong đó: môi trường nước: 54 mẫu, 549 chỉ tiêu phân tích; cá: 144 mẫu, 477 chỉ tiêu phân tích) tại các điểm: Phú Nhuận và Phong Hải – huyện Bảo Thắng; Quang Kim – huyện Bát Xát; Cốc Ly – huyện Bắc Hà, Ngũ Chỉ Sơn và Ô Quý Hồ – thị xã Sa Pa. Căn cứ kết quả phân tích Chi cục đã kịp thời ra thông báo, cảnh báo, khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản xử lý môi trường ao nuôi, phòng và trị một số bệnh cho động vật thủy sản để sản xuất thủy sản hiệu quả, bền vững.

– Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Thực hiện kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 16/01/2023 V/v triển khai Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023, ngày 29/8/2023 Sở Nông nghiệp và PTNT, Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Lào Cai, Giáo hội phật giáo Việt Nam huyện Bảo Thắng và UBND huyện Bảo Thắng tổ chức lễ thả cá phóng sinh tái, tạo nguồn lợi thủy sản trên lưu vực sông Hồng, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng khoảng 28.000 con cá quý hiếm và loài có giá trị kinh tế như cá lăng chấm, cá bỗng, cá trắm cỏ, cá chép,…

– Phòng chống thiên tai trong nuôi trồng thủy sản: Chi cục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai cho động vật thủy sản.

Từ đêm ngày 12/9/2023 đến rạng sáng ngày 13/9/2023 xuất hiện mưa vừa, một số thời điểm mưa to cục bộ, một số địa bàn xã mưa rất to đã gây ra thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn như xã Liên Minh, Mường Bo thị xã Sa Pa. Tính đến 11 giờ ngày 13/9/2023 ước thiệt hại 250.003 triệu đồng. Trong đó: Xã Liên Minh: Sơ bộ đánh giá Có 61 trại cá hồi với 610 ao cá hồi tại xã Liên Minh bị thiệt hại hoàn toàn, ước thiệt hại 250.000 triệu đồng; Xã Thanh Bình: Mưa lớn làm vỡ 03 ao cá truyền thống của 03 hộ gia đình với diện tích khoảng 300m2,  ước tổng thiệt hại khoảng 3 triệu đồng.

– Trong 9 tháng đầu năm tình hình tiêu thự sản phẩm: giá thịt lợn hơi siêu nạc có nhiều biến động, 5 tháng đầu năm giá lợn luôn duy trì ở mức thấp 52.000-55.000 đồng/kg, trong đó thấp nhất là thời điểm tháng 3 (giá lợn hơi siêu nạc chỉ từ 44.000-47.000 đồng/kg); từ tháng 6 đến tháng 9 giá thịt lợn hơi siêu nạc duy trì ổn định giao động từ 58.000-65.000 đồng/kg.

Hiện nay, giá thịt lợn hơi siêu nạc đang giao động từ 58.000-60.000 đồng/kg, giá thịt lợn đen bản địa từ 65.000-70.000 đồng/kg (tùy từng địa phương); giá lợn giống thương phẩm 150.000-200.000 đồng/kg; giá gà thịt lông màu giao động từ 58.000-68.000 đồng/kg. Giá cá thương phẩm: cá rô phi từ 1,0-1,5 kg/con: 38.000-42.000 đồng/kg, cá chép từ 1,5-2,0 kg/con: 50.000-55.000 đồng/kg; cá trắm đen 110.000-120.000 đồng/kg; cá trắm cỏ 58.000-63.000 đồng/kg; cá hồi 200.000-21.000 đồng/kg; cá tầm 210.000-220.000 đồng/kg.

– Tình hình tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản: Ước thực hiện 9 tháng đầu năm tổng sản lượng thịt hơi và sản lượng thủy sản các loại đạt 64.300 tấn (sản lượng thịt hơi các loại 55.000 tấn, sản lượng thủy sản các loại 9.300 tấn); trong đó: sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 36.130 tấn; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 15.500 tấn.

Sản phẩm chăn nuôi, thủy sản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, một phần xuất bán đi thành phố Hà Nội và các tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lai Châu, Thanh Hóa…

– Triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050: ngày 18/02/2022 Chi cục ban hành kế hoạch số 41/KH-CNTY về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Tỉnh ủy lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản năm 2022-2025. Kết quả: Ước thực hiện 9 tháng đầu năm (đến 30/9): tổng đàn lợn đạt 437.850 con, đạt 72,96% mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025 (600.000 con), đạt 43,79% mục tiêu Nghị quyết đến năm 2030 (1.000.000 con); sản lượng thịt lợn hơi đạt 36.130 tấn. Sản lượng tồn động: 0 tấn.

2. Công tác quản lý dịch bệnh

2.1. Tình hình dịch bệnh:

– Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Trong 9 tháng dịch bệnh xảy ra tại 16 hộ/8 thôn/8 xã thuộc huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên và thành phố Lào Cai làm 96 con lợn mắc bệnh và cùng ô chuồng phải tiêu hủy, khối lượng tiêu hủy 3.632 kg.

– Bệnh Dại: Trong 9 tháng đầu năm có 14 trường hợp chó bị mắc bệnh Dại thuộc 13 thôn/10 xã/06 huyện, thành phố (Văn Bàn 03 trường hợp; Mường Khương 04 trường hợp; Bảo Thắng 03 trường hợp; Bắc Hà 01 trường hợp; Bảo Yên 01 trường hợp và thành phố Lào Cai 02 trường hợp).

2.2. Công tác phòng chống: Ngay sau khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh….

2.3. Công tác Khử trùng tiêu độc: Trong 9 tháng triển khai 02 đợt tháng khử trùng tiêu độc trên toàn tỉnh và đã cấp 23.449 lít hóa chất cho 09/09 huyện, thị xã, thành phố thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và phòng, chống dịch bệnh.

2.4. Công tác lấy mẫu giám sát dịch bệnh:

– Giám sát bệnh trên Cá: Thực hiện lấy mẫu giám sát dịch bệnh trên cá hồi 19 mẫu. Kế quả xét nghiệm 03/19 mẫu dương tính với vi rút IPNV (Hoại tử tuyến tụy), 07/19 mẫu dương tính với vi rút IHNV (Hoại tử cơ quan tạo máu); 05/19 mẫu dương tính với vi khuẩn Aeromonas sp và 01/19 mẫu dương tính vi khuẩn Pseudomonas sp.

– Giám sát bệnh Dại: Trong 9 tháng đầu năm thực hiện sàng lọc, điều tra, theo dõi 80 trường hợp, lấy 20 mẫu. Kết quả xét nghiệm 14/20 mẫu dương tính, 06/20 mẫu âm tính.

– Giám sát bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Trong 9 tháng thực hiện lấy 70 mẫu thịt, phủ tạng và sản phẩm chế biến từ thịt lợn bán tại 05 chợ của thành phố Lào Cai Cốc Lếu, Nguyễn Du, Kim Tân, Duyên Hải, Phố Mới). Kết quả xét nghiệm phát hiện 08/35 mẫu dương tính với vi rút DTLCP và 35 mẫu chưa có kết quả.

2.5. Công tác tiêm phòng: Trong 9 tháng triển khai tiêm phòng 1.439.464 liều, đạt 52% so với KH năm 2023 cụ thể: vắc xin Lở mồm long móng: 85.422 liều, đạt 98% KH năm; vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò: 85.422 liều, đạt 49% KH năm; vắc xin Dịch tả lợn: 26.721 liều; vắc xin tụ huyết trùng – vắc xin Phó thương hàn: 26.721 liều; vắc xin Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng – Phó thương hàn: 87.022 liều, đạt 50% KH năm; vắc xin cúm gia cầm: 1.060.200 liều, đạt 51% KH năm; vắc xin dại: 68.406 liều, đạt 78% KH năm.

(Ghi chú: Do từ tháng 4, vắc xin Dịch tả, Tụ huyết trùng – Phó thương hàn tiêm 01 mũi sẽ phòng được cả 3 bệnh Dịch tả, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn)

2.6. Công tác kiểm dịch: Trong 9 tháng thực hiện kiểm dịch động vật ra ngoài tỉnh: 4.385 con gia cầm và 23 con ngựa; 13.000 con cá tầm giống; 139.000 con cá chép giống và 2.500 kg sản phẩm động vật.

2.7. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y: trong 9 tháng kiểm tra 27.318 con lợn; 44 con trâu, bò.

– Xử lý: 17 trường hợp thịt lợn không đảm bảo vệu sinh thú y, khối lượng 1.151 kg (17 con).

– Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y: mới thực hiện tại 04 lò mổ tập trung đang hoạt động tốt, còn lại 5 huyện, thành phố chưa thực hiện do chưa có lò mổ, lò mổ chưa hoạt động, ngừng hoạt động.

3. Công tác quản lý thuốc và thức ăn chăn nuôi

– Trong 9 tháng kiểm tra, lấy mẫu thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản. Kết quả kiểm tra 92 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y (Thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản 52 cơ sở, thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản 40 cơ sở)

– Lấy 49 mẫu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú (17 mẫu thức ăn hỗn hợp, thức ăn thủy sản; 06 mẫu thức ăn bổ sung; 26 mẫu thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản); kết quả kiểm nghiệm: 12/12 mẫu thức ăn hỗn hợp, thức ăn thủy sản đảm bảo đúng quy định đã công bố trên nhãn mác; 01/01 mẫu thức ăn bổ sung có chỉ tiêu không đúng với công bố trên nhãn mác, 02/08 mẫu thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản có chỉ tiêu không đúng với công bố trên nhãn mác. Lũy kế  02/06 mẫu thức ăn chăn nuôi (thức ăn bổ sung) không đạt chỉ tiêu công bố; 05/26 mẫu thuốc thú y không đạt chỉ tiêu công bố.

– Xử lý tạm thời niêm phong số hàng hóa có chỉ tiêu không đúng với công bố trên nhãn mác và hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo quy định hiện hành. Xử lý vi phạm hành chính 07 cá nhân với số tiền 35.000.000 đồng.

– Tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã tuyên truyền việc chấp hành các quy định về kinh doanh, buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, đảm bảo hàng hóa bán nằm trong danh mục thuốc được phép lưu hành, không buôn bán thuốc ngoài danh mục, chất cấm sử dụng trong chăn nuôi; xử lý rác thải nhựa từ vỏ thuốc thú y, bao bì đựng thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản tại nguồn theo đúng quy định. Thực hiện cấp các TTHC lĩnh vực thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi theo quy định.

4. Công tác khác

– Kế hoạch tái đàn, phát triển chăn nuôi lợn bền vững: tiếp tục phối hợp, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, thực hiện Kế hoạch.

– Kế hoạch xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung quy mô nhỏ: tiếp tục phối hợp với các địa phương, các Sở, ngành liên quan triển khai xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ theo kế hoạch đã được phê duyệt. Tính đến nay, đã xây dựng được 06 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tại xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn, Gia Phú, huyện Bảo Thắng, TT Si Ma Cai và TT Mường Khương,  huyện Bảo Yên, thị xã Sa Pa, tổng đến nay có 07 cơ sở giết mổ tập chung. Trong đó 04 cơ sở giết mổ tập trung hoạt động ổn định, còn 03 cơ sở ngừng hoạt động gồm: huyện Bảo Yên, Văn Bàn, thành phố Lào Cai. Xử lý vi phạm hành chính về điều kiện vệ sinh thú y (Sử dụng nước dùng trong giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y) 01 tổ chức với số tiền xử phạt là 8.000.000 đồng.

– Công tác tuyên truyền: Tiếp tục phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn; phòng, chống dịch bệnh, Thiên tai, nắng nóng cho đàn vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; chấp hành các quy định về kinh doanh thức ăn chăn nuôi, buôn bán thuốc thú y. Trong 9 tháng gửi 27 tin bài, 52 ảnh; 10 Hội nghị tuyên truyền đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, liên kết chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường với 611 đại biểu tham dự. 34.000 tờ rơi tuyên truyền bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, vật nuôi và biện pháp phòng chống; 3.000 tờ áp phích tuyên truyền áp phích tuyên truyền phòng và trị một số bệnh nguy hiểm ở động vật thủy sản.

 – Tiếp tục triển khai các Kế hoạch, chương trình, dự án theo kế hoạch đã được phê duyệt.

 Để đạt kết quả trên bên cạnh đó còn tồn tại một số hạn chế khó khăn như sau:

– Giá thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản hiện đã giảm từ 1,5 – 2,5% so với thời điểm đầu năm 2023, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19 và so với cùng kỳ năm 2022… trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi không cao, không ổn định (đặc biệt trong giá gia cầm vẫn duy trì ở mức thấp) nên người chăn nuôi không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp. Ngoài ra, việc kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y còn gặp nhiều khó khăn.

– Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải, sử dụng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản còn nhiều hạn chế.

– Xây dựng cơ sở giết mổ: Một số địa phương chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện xây dựng cơ sở giết mổ động vật (chưa rà soát, lựa chọn vị trí đất phù hợp đảm bảo các tiêu chí để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương…), do đó tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ nhưng địa phương không bố trí được quỹ đất xây dựng; có vị trí, địa điểm thuận lợi, nhưng gặp khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng…

– Quản lý hoạt động giết mổ động vật, xử lý các trường hợp vi phạm về kinh doanh giết mổ gia súc, bầy bán sản phẩm động vật: Một số huyện thiếu quyết liệt trong việc đưa các hộ giết mổ gia súc tại nhà để kinh doanh vào cơ sở giết mổ tập trung mới được xây dựng. Việc xử lý các hộ kinh doanh không đảm bảo VSTY, không có dấu KSGM, tem VSTY theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, chưa được thường xuyên liên lục.

– Khó khăn trong việc bố trí cán bộ thực hiện công tác kiểm soát giết mổ tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ: Không thực hiện được công tác kiểm soát giết mổ gia súc tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ theo quy định của Luật Thú y là do những nguyên nhân sau: Số lượng điểm giết mổ nhỏ lẻ lớn, nằm rải rác, phân tán trong khu dân cư tại các xã, phường, thị trấn; hoạt đông giết mổ diễn ra từ 1- 5 giờ sáng hàng ngày; cơ sở vật chất của các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đủ điều kiện, chưa được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (hoặc Giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y). Vì vậy, việc không kiểm soát được hoạt động giết mổ là nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

– Những khó khăn khách quan: Người tiêu dùng chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc sử dụng sản phẩm động vật đã được cơ quan thú y kiểm soát giết mổ và đóng dấu kiểm soát giết mổ trên thân thịt, người tiêu dùng (kể cả một số bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn…) còn dễ dãi sử dụng sản phẩm thịt gia súc, gia cầm chưa được cơ quan Thú y kiểm soát giết mổ, sản phẩm động vật không có dấu KSGM, không có têm VSTY.

– Bệnh Dại: Tỉ lệ tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó mới đạt khoảng 65% tổng đàn chó nuôi và không đều giữa các vùng; vi rút còn lưu hành trên động vật với phạm vi rộng, xâm nhiễm vào đàn chó nuôi chưa được tiêm phòng làm phát sinh bệnh Dại. Một số bộ phận người dân đặc biệt là người dân vùng cao, vùng khó khăn vẫn còn chủ quan, lơ là với bệnh Dại; tình trạng thả rông chó, không nhốt xích, không đeo rọ mõm cho chó vẫn còn xảy ra phổ biến. Một số chính quyền cơ sở chưa thực sự quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh; việc áp dụng chế tài xử lý vi phạm quy định về thả rông chó, không tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó chưa thường xuyên, liên tục.

– Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, rải rác đặc biệt là tại các xã vùng cao, vùng xa ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân còn chưa cao gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch; hầu hết các chủ hộ chăn nuôi chưa thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh (mua bán con giống tùy tiện, mua thịt lợn nhiễm mầm bệnh về sử dụng, không thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng, …). Không có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi khi có lợn mắc bệnh phải tiêu hủy vì vậy khi lợn bị bệnh người dân không khai báo, bán chạy lợn ốm, lợn bệnh gây khó khăn cho công tác chống dịch; Hiện tượng mua, bán lợn thịt, lợn giống còn tùy tiện, không được kiểm soát, không khai báo chăn nuôi còn phổ biến.

Giải pháp trong thời gian tới:

  – Tiếp tục tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh xây dựng và thực hiện hiệu quả thể chế, cơ chế chính sách ngành chăn nuôi, thủy sản; phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y, thủy sản: quản lý giống vật nuôi, thủy sản, môi trường trong chăn nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh từ cơ sở; xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ.

– Tiếp tục triển khai thực hiện các Kế hoạch của UBND tỉnh về Triển khai thực hiện một số Điều của Luật Chăn nuôi; tái đàn, phát triển chăn nuôi lợn bền vững giai đoạn 2021-2025; cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023; Quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023.

– Vùng thấp khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển các giống cao sản, các trang trại tiếp tục duy trì chăn nuôi công nghiệp, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ duy trì chăn nuôi bán công nghiệp kết hợp sử dụng nguyên liệu thức ăn sẵn có để hạ giá thành sản phẩm; vùng cao tập trung phát triển chăn nuôi các loại vật nuôi đặc sản bản địa, chăn nuôi hữu cơ để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm tránh rủi ro. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

– Tiếp tục theo dõi, nắm bắt biến động của thị trường, tình hình sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các địa phương thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học, xử lý môi trường đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.

– Khuyến khích phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác…; đăng ký chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm có khả năng truy xuất nguồn gốc, sản phẩm OCOP để tạo thị trường tiêu thụ ổn định qua các kênh như: siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể…và mở rộng thị trường ngoại tỉnh cho sản phẩm đặc sản bản địa.

– Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; quản lý, sử dụng thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.

 Tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ quan truyền thông tăng cường thông tin tuyên truyền về Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản và các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi, thủy sản; tuyên tuyền, vận động người chăn nuôi tích cực thực hiện và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; thực hiện và áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, môi trường nuôi thủy sản có hiệu quả. 

Phan Thị Hảo – Phòng HC – TH.

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số