DỰ BÁO DỊCH BỆNH TRÊN ĐÀN VẬT NUÔI QUÝ III, NĂM 2016

Gửi lúc: 14:19, Ngày: 15-06-2016

Dự báo Quý III, năm 2016 do những diễn biến bất thường của thời tiết (nóng ẩm, mưa nhiều), tình hình vận chuyển, tiêu thụ gia súc, gia cầm tăng; đàn vật nuôi đưa vào nuôi mới phục vụ nhu cầu thực phẩm cuối năm và tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017… làm mật độ chăn nuôi tăng cao; cùng với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, việc vệ sinh phòng bệnh, tiêm phòng vắc- xin chưa được người chăn nuôi tuân thủ nghiêm ngặt, nguy cơ xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm như:
1. Bệnh Lở mồm long móng:

Là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trâu, bò, lợn, dê… do vi rút gây ra. Đặc điểm của bệnh là lây lan rất nhanh do tiếp xúc hoặc thức ăn nhiễm mầm bệnh, biểu hiện là hình thành các mụn nước ở niêm mạc miệng, lưỡi và da mỏng ở kẽ móng, vành móng, núm vú, làm cho con vật chảy nước bọt nhiều, không ăn được, đi lại khó khăn…
Biện pháp phòng, chống dịch bệnh: Chỉ nhập con giống khỏe mạnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch, nuôi nhốt cách ly 7 ngày trước khi chăn thả với những đàn khác; sử dụng thức ăn, nước uống hợp vệ sinh không nhiễm mầm bệnh; tiêm vắc- xin chống bệnh Lở mồm long móng 2 lần/ năm cho trâu, bò. Khi có dịch xảy ra phải nhanh chóng khai báo với cơ quan thú y, hoặc chính quyền địa phương thực hiện cách lý triệt để, tiêu hủy gia súc bệnh và tiêu độc khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Picture 024Lợn bị mắc bệnh lở mồm lóng móng

2. Bệnh cúm gia cầm:
Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra cho các loài gia cầm, lây lan sang động vật khác và người. Biểu hiện ở gia cầm mắc bệnh chết rất nhanh và nhiều mà không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng (thường sau 2 ngày nhiễm bệnh, chết có thể tới 50-100% tổng đàn). Vịt, ngan là con vật mang mầm bệnh nhưng lại ít có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, đây chính là nguồn reo rắc mầm bệnh ra môi trường.
Biện pháp phòng, chống dịch bệnh: Con giống đưa vào chăn nuôi phải khỏe mạnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch, đảm bảo không nhiễm mầm bệnh, phải nuôi cách ly 7 ngày trước khi nhập đàn; thực hiện nuôi nhốt tập trung và không nuôi lẫn lộn nhiều loại gia cầm; cùng nhập cùng xuất đối với từng dãy chuồng; khuyến khích chăn nuôi quy mô tập trung, chuồng kín, công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn sinh học; thực hiện tiêm phòng tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm. Khi có dịch phải cách ly triệt để, thực hiện việc tiêu huỷ gia cầm, phân và các chất thải khác tại chuồng nuôi; tiêu độc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển trong ổ dịch và vùng có nguy cơ cao trong phạm vi bán kính 500 m bằng hoá chất. Người chăn nuôi, giết mổ khi tiếp xúc với gia cầm phải sử dụng bảo hộ như: khẩu trang, găng tay, ủng… tuyệt đối không sử dụng tiết canh gia cầm.
3. Bệnh lợn tai xanh:
Là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra cho lợn, thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế với một số biểu hiện đặc trưng như: Lây lan rất nhanh giữa các đàn lợn, ở mọi lứa tuổi; lợn nái sảy thai, thai chết lưu, mất sữa, vô sinh (chu kỳ động dục dài và bất thường); lợn con theo mẹ còi cọc, dễ kế phát và chết do các bệnh (Phân trắng lợn con, sưng phù đầu…); Lợn thịt sốt, bỏ ăn, ho, khó thở do viêm phổi, thường chết do kế phát các bệnh truyền nhiễm khác (Dịch tả, tụ huyết trùng, liên cầu lợn)
Biện pháp phòng, chống dịch bệnh: Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, thường xuyên chăm sóc tốt cho vật nuôi, vệ sinh chuồng trại (che ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè), định kỳ (1-2 tuần/lần) tiêu độc khử trùng bằng các chất sát trùng thông thường (vôi bột, Bencocid, Cloramid…). Con giống đảm bảo rõ nguồn gốc, được nhập từ những cơ sở đã tiêm phòng đầy đủ vắc- xin phòng tai xanh, dịch tả lợn, tụ huyết trùng. Chống dịch: khoanh vùng dịch, tiêu hủy lợn ốm, lợn chết và toàn bộ lợn trong cùng ô chuồng, cấm vận chuyển lợn ốm, sản phẩm chưa qua chế biến có nguồn gốc từ lợn, phân rác thải chăn nuôi ra khỏi vùng dịch, tiêu độc, khử trùng mọi phương tiện, con người khi ra khỏi vùng có dịch; để trống chuồng, thời gian tối thiểu là 21 ngày. Trước khi nuôi trở lại, cơ sở chăn nuôi phải được vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng hàng ngày, thực hiện liên tục trong vòng 7 ngày; lợn đưa vào nuôi trở lại phải biết rõ nguồn gốc, đã được tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm của lợn theo quy định
4. Bệnh tụ huyết trùng trâu, bò:
Là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn gây ra với đặc điểm tụ huyết và xuất huyết ở nhiều bộ phận cơ thể trâu, bò và có thể lây lan sang lợn, gia cầm. Bệnh thường xảy ra khi thời tiết thay đổi, chuyển mùa (nóng ẩm, mưa nhiều). Thời gian ủ bệnh từ 1 – 3 ngày, con vật mệt mỏi bứt rứt, sốt cao, niêm mạc mắt mũi đỏ sẫm rồi tái xám, nước mắt nước mũi chảy liên tục, hạch hầu sưng to làm cho con vật thè lưỡi ra, con vật thở mạnh do viêm phổi dẫn đến chết.
Biện pháp phòng, trị bệnh: Tiêm vắc- xin phòng bệnh tụ huyết trùng trâu, bò một năm 2 lần. Khi đã có dịch xảy ra phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp dập dịch. Súc vật chết không được mổ thịt mà phải đem chôn cùng với vôi bột, hoặc hóa chất. Toàn bộ chuồng trại và môi trường xung quanh phải tẩy uế, đốt rác bẩn, khi ủ phân phải trộn với vôi bột để diệt mầm bệnh. Tiêm Streptomycin hoặc Kanamycin 5g cho 100kg thể trọng/lần, ngày 2 lần, tiêm 4 – 5 ngày, ngoài ra cần trợ sức, trợ lực cho con vật.
Ngoài các bệnh nêu trên, một số bệnh truyền nhiễm khác như: Dịch tả, tụ huyết trùng lợn, bệnh dại ở chó, mèo, bệnh Newcastle ở gà… cũng gây thiệt hại lớn đến kinh tế và sức khỏe con người, rất cần quan tâm phòng bệnh từ khâu mua con giống, vệ sinh thức ăn và tiêm phòng vắc- xin là biện pháp chủ động nhất.
Bên cạnh đó, một số bệnh xảy ra do thời tiết nắng, nóng, mưa, bão, độ ẩm cao cũng cần đề phòng bằng các biện pháp như: Giảm mật độ chuồng nuôi, che chắn chống nóng, chống mưa dột; chuồng nuôi kín cần dự phòng máy phát điện; bổ sung chất điện giải để tăng sức đề kháng, chống nóng, giải độc làm tăng hiệu quả chăn nuôi./.

Ngô Tiến Dũng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai 

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số