DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH QUÝ II NĂM 2024

Gửi lúc: 9:30, Ngày: 13-03-2024

Thời điểm quý II năm 2024 nền nhiệt tăng, thời tiết diễn biến phức tạp, lúc nắng lúc mưa,…là môi trường thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng và nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Để đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt bà con cần chú ý một số lưu ý sau:

1. Con giống và vận chuyển con giống

– Con giống khi mua về phải khoẻ mạnh, đạt tiêu chuẩn về đặc điểm ngoại hình của từng giống; có nguồn gốc rõ ràng, nên mua con giống tại các cơ sở đảm bảo, an toàn dịch bệnh; được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định.

– Vận chuyển vào thời điểm chiều mát, đêm, sáng sớm; sử dụng các phương tiện vận chuyển chuyên dùng được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ, có bạt che nắng, mưa. Nếu vận chuyển đường dài cần chuẩn bị thức ăn, nước uống đầy đủ. Kiểm tra sức khoẻ gia súc gia cầm trước và trong suốt quá trình vận chuyển, nếu vận chuyển đường dài thì chú ý cho nghỉ ngơi hợp lý.

2. Chuồng trại và chăm sóc nuôi dưỡng

– Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ; thu gom và xử lý chất thải bằng các biện pháp phù hợp như Biogas, ủ phân, đệm lót sinh học…

– Định kỳ phun khử trùng tiêu độc chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi.

– Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn gia súc, gia cầm nhằm nâng cao sức đề kháng phòng, chống lại các tác động bất lợi của thời tiết.

– Bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi.

– Cho vật nuôi ăn thức ăn sạch sẽ, đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp lứa tuổi, cung cấp đầy đủ nước uống, đảm bảo vệ sinh thức ăn, nước uống, có thể sử dụng Chloramin-B, T để khử trùng nước đối với những nơi nguồn nước bị ô nhiễm. Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống cho đàn gia súc, gia cầm.

– Nuôi nhốt với mật độ vừa phải:

+ Đối với gà: úm 50 – 60 con/m2, gà dò nhốt 20 – 30 con/m2, gà vỗ béo nhốt 7 – 10 con/m2, gà đẻ nhốt 4 con/m2.

+ Đối với lợn: lợn nái, lợn có chửa cần 3 – 6 m2/con; lợn thịt 2 m2/con.

+ Đối với trâu, bò 4 – 5 m2/con, dê 1,8 – 2 m2/con.

3. Quản lý đàn

– Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường như uể oải, ủ rũ, kém ăn…

– Cách ly những vật nuôi có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết.

4. Phòng bệnh

– Chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, đặc biệt là gia súc gia cầm mới tái đàn.

+ Đối với trâu, bò: Tiêm vắc xin Lở mồm long móng, tụ huyết trùng;

+ Đối với lợn: Tiêm vắc xin Dịch tả lợn – Tụ huyết trùng – Phó thương hàn;

+ Đối với gia cầm: Tiêm phòng vắc xin Cúm gia cầm;

+ Đối với chó, mèo: Tiêm phòng vắc xin Dại.

Ngoài các loại vắc xin do Nhà nước hỗ trợ, người chăn nuôi cũng nên tự bỏ kinh phí mua các loại vắc xin như Lở mồm long móng lợn, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục, Niu cát xơn, … tiêm cho đàn vật nuôi của mình để tăng cường sức đề kháng.

Hình ảnh phun khử trùng, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh

5. Công tác xử lý khi có dịch bệnh:

– Khi có gia súc, gia cầm chết, chết hàng loạt phải báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa ph­ương để xử lý kịp thời.

– Không bán chạy gia súc, gia cầm ốm, không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi ra khu vực ao, hồ, sông, suối và khu vực xung quanh trại, không ăn thịt gia súc, gia cầm bệnh. Đây là tác nhân rất nguy hiểm làm phát tán dịch bệnh và tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên diện rộng.

– Không được giết mổ, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm khi có dịch.

– Bao vây, khống chế, tiêu hủy xác gia súc, gia cầm chết nghi mắc bệnh nguy hiểm bằng cách chôn, đốt theo h­ướng dẫn của cán bộ thú y.

– Vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi tr­ường xung quanh ổ dịch bằng vôi bột hoặc hóa chất.

– Tiêm phòng cho toàn bộ gia súc, gia cầm xung quanh vùng có dịch.

Nguyễn Công Tĩnh – Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số