Dự báo tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi Quý I năm 2024

Gửi lúc: 16:28, Ngày: 04-01-2024

Trong những ngày cuối năm Quý Mão và đầu năm Giáp Thìn một lượng lớn gia súc, gia cầm được giết mổ để phục vụ nhu cầu về thực phẩm của người dân, cùng với đó để ổn định lại hoạt động chăn nuôi và chủ động nguồn cung cấp thực phẩm ra thị trường nên người dân sẽ tái đàn hàng loạt. Dự báo trong bối cảnh thời tiết có diễn biến bất thường, có những đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của vật nuôi; việc vận chuyển, giết mổ động vật, mua bán con giống không rõ nguồn gốc tăng cao làm nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn.

Để giúp cho đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt trong những ngày mưa rét, hạn chế mầm bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số lưu ý chăm sóc, nuôi dưỡng sau:

Phòng, chống dịch bệnh:

Người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện công tác tiêm phòng nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm đây là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả nhất, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

– Đối với trâu, bò tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng;

– Đối với lợn tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng;

– Đối với gia cầm tiêm vắc xin Cúm gia cầm;

– Đối với chó, mèo tiêm phòng vắc xin Dại.

Ngoài các loại vắc xin được Nhà nước hỗ trợ, người chăn nuôi có thể chủ động mua thêm một số loại vắc xin phòng bệnh khác, tiêm bổ sung cho đàn gia súc gia cầm mới lớn, mới nhập đàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang xảy ra lẻ tẻ ở một vài nơi và có nguy cơ bùng phát rất cao, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Hiện đã có 02 loại vắc xin phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được đăng ký và cấp giấy chứng nhận lưu hành là: Vắc xin NAVET-ASFVAC của Công ty Cổ phần thuốc thú y trung ương NAVETCO và vắc xin AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam. Người chăn nuôi nếu cần tìm hiểu thông tin chi tiết hoặc có nhu cầu mua vắc xin có thể liên hệ với Trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố.

Định kỳ phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại

– Ngoài sử dụng vắc xin để phòng bệnh người chăn nuôi có thể dùng thêm một số kháng sinh (được phép lưu hành, sử dụng) trộn vào thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm để phòng một số bệnh thường gặp khi thời tiết có dấu hiệu thay đổi đột ngột như: Hen, suyễn, tiêu chảy, tụ huyết trùng…

– Định kỳ khử trùng tiêu độc chuồng nuôi và môi trường chăn nuôi bằng vôi bột, hoá chất (Benkocid, Iocid,…) để tiêu diệt mầm bệnh; hàng ngày theo dõi tình trạng đàn vật nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời những vật nuôi có dấu hiệu bất thường do đói rét, dịch bệnh.

Tiêm phòng vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng cho trâu bò

Chăm sóc, nuôi dưỡng: Quý I là thời điểm thời tiết có diễn biến phức tạp do bị tác động bởi biến đổi khí hậu, có những đợt rét đậm, rét hại, băng giá…với nền nhiệt thấp làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh trưởng, phát triển của đàn vật nuôi. Người chăn nuôi cần chú ý chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại từ tác động của thời tiết gây ra.

– Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết để chủ động công tác chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn vật nuôi. Những ngày nhiệt độ thấp không nên chăn thả gia súc, gia cầm; nên nhốt, cho ăn uống tại chuồng.

– Chuồng trại: Chủ động gia cố chuồng trại chắc chắn, che chắn giữ cho chuồng trại luôn đủ ấm (có thể dùng bạt, bao tải, bao ni lông, vải, phên nứa để che chắn; rơm rạ, lá khô để lót nền chuồng; củi, mùn cưa, trấu để đốt sưởi), không bị mưa hắt, gió lùa, giữ nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ; thường xuyên quét dọn, thu gom chất thải để xử lý.

– Thức ăn: Cung cấp cho gia súc, gia cầm khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo nhu cầu cho từng đối tượng, lứa tuổi; Cho uống đủ nước sạch, ấm; Bổ sung thêm các vitamin tổng hợp, men tiêu hóa trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh nhất là vào những thời điểm thời tiết thay đổi đột ngột.

Chủ động dự trữ thức ăn phù hợp đủ để cung cấp cho đàn vật nuôi, thức ăn dự trữ phải bảo quản tốt, tránh ẩm ướt, ôi thiu, nấm mốc,…

 Hàng ngày người chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của đàn vật nuôi; kiểm tra lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ hàng ngày để biết được tình trạng sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm. Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện bất thường, để có chế độ chăm sóc và điều trị. Không được giết mổ, bán gia súc, gia cầm ốm, chết và phát tán chất thải của chúng ra môi trường xung quanh. Khi nghi ngờ hoặc phát hiện gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm,…cần báo ngay cho trưởng thôn, bản, cán bộ thú y, chính quyền địa phương để xử lý kịp thời.

– Người chăn nuôi trước khi thực hiện tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi cần tìm hiểu thông tin về dự báo thời tiết, nhu cầu thị trường để vào đàn cho phù hợp; nên mua con giống tại các cơ sở có uy tín, đảm bảo chất lượng, con giống khi mua về phải khoẻ mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm đầy đủ theo quy định, có giấy chứng nhận kiểm dịch (đối với con giống nhập từ ngoài tỉnh) và bố trí nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn.

Nguyễn Công Tĩnh – Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số