DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRÊN ĐÀN VẬT NUÔI QUÝ IV NĂM 2023

Gửi lúc: 16:02, Ngày: 22-09-2023

Theo cập nhật của Cục Thú y, đến nay trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên động vật như: Bệnh Dại (xảy ra tại 30 tỉnh, thành phố), bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (xảy ra tại 38 tỉnh, thành phố); bệnh Cúm gia cầm (xảy ra tại 09 tỉnh, thành phố); bệnh Lở mồm long móng (xảy ra tại 12 tỉnh), …

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 04 huyện, thành phố làm 104 con lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ; thực hiện chương trình giám sát chủ động đã phát hiện 14 trường hợp chó mắc bệnh Dại (tại 13 thôn, 10 xã thuộc 06 huyện, thành phố). Ngoài ra còn một số dịch bệnh thông thường trên đàn vật nuôi như Tụ huyết trùng, Newcastle, Gumboro, tiêu chảy, viêm phổi… vẫn xảy ra rải rác ở một số xã, phường thị trấn trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố nhưng đều được khống chế kịp thời, không để dịch lây lan ra diện rộng. Quý IV là thời điểm thời tiết đang giao mùa, nhiệt độ giữa ngày và đêm có sự chênh lệch lớn dễ làm suy giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như: bệnh Lở mồm long móng, Tai xanh, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn Châu Phi, Dịch tả lợn cổ điển ở gia súc; bệnh Newcastle, Cúm gia cầm, Gumboro ở gia cầm; bệnh Dại ở chó mèo…

Để chủ động phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

 1. Chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi: Việc chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi là rất quan trọng trong quy trình chăn nuôi vì nếu xảy ra dịch bệnh sẽ gây thiệt hại lớn do đó người chăn nuôi nên áp dụng nhiều biện pháp để giúp đàn vật nuôi có thể phát triển tốt như:

– Thực hiện các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để ngăn chặn mầm bệnh bên ngoài vào khu vực chăn nuôi để hạn chế phát sinh dịch bệnh.

– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đây là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

 Đối với trâu, bò tiêm vắc xin Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng; Đối với lợn tiêm vắc xin Dịch tả lợn, Tụ huyết trùng; Đối với gia cầm tiêm vắc xin Cúm gia cầm; Đối với chó, mèo tiêm vắc xin Dại. Hiện đang trong đợt tiêm phòng kỳ 2 năm 2023, người chăn nuôi có nhu cầu đối với các loại vắc xin được nhà nước hỗ trợ để tiêm phòng cho đàn vật nuôi thì đăng ký với thú y xã, các trưởng thôn, bản, tổ trưởng tổ dân phố.

Ngoài các loại vắc xin được Nhà nước hỗ trợ, người chăn nuôi có thể chủ động mua thêm một số loại vắc xin phòng bệnh khác, tiêm bổ sung cho đàn gia súc gia cầm mới lớn, mới nhập đàn theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Ngoài sử dụng vắc xin để phòng bệnh người chăn nuôi có thể dùng thêm một số kháng sinh (được phép lưu hành, sử dụng) trộn vào thức ăn, nước uống cho gia súc, gia cầm để phòng một số bệnh thường gặp khi thời tiết có dấu hiệu thay đổi đột ngột như: Hen, suyễn, tiêu chảy, tụ huyết trùng…

– Định kỳ khử trùng tiêu độc chuồng nuôi và môi trường chăn nuôi bằng vôi bột, cháo chất (Benkocid, Iocid,…) để tiêu diệt mầm bệnh; hàng ngày theo dõi tình trạng đàn vật nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời những vật nuôi có dấu hiệu bất thường do đói rét, dịch bệnh.

 2. Về chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng

Chuồng trại: Các tháng cuối năm thường có hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to kéo dài, có các đợt rét đậm, rét hại…vì vậy bà con nên lưu ý thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi.

– Gia cố, che chắn lại chuồng trại chắc chắn tránh gió lùa, mưa gió; đảm bảo nền chuồng luôn khô ráo.

– Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải. Thay mới, bổ sung chất độn chuồng để giữ ấm cho vật nuôi.

– Dự trữ chất đốt như củi, trấu, mùn cưa…để đốt sưởi ấm cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại.

Chăm sóc, nuôi dưỡng:

– Cung cấp cho vật nuôi khẩu phần ăn đầy đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi, giai đoạn phát triển, cho uống đủ nước sạch, ấm.  Ngoài ra, cần bổ sung các loại vitamin ADE, B – complex, điện giải… để tăng sức đề kháng cho gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

– Dự trữ thức ăn: Cần dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi để đảm bảo đàn vật nuôi có thể phát triển tốt vào mùa đông; Đối với gia súc ăn cỏ có tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của địa phương (rơm, rạ, cây ngô, cỏ khô…), đối với lợn, gia cầm dự trữ thức ăn tinh như ngô, sắn, cám gạo, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, khoáng, vitamin,…thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh nấm, mốc.

 – Nuôi nhốt gia súc, gia cầm trong chuồng, cho ăn uống đầy đủ và sưởi ấm khi thời tiết rét đậm, rét hại. Có thể thả gia cầm ra vườn khi có nắng và vườn khô ráo, hạn chế chăn thả trâu bò, cho ăn tại chuồng hoặc cho trâu bò đi muộn về sớm vào những ngày thời tiết có nhiệt độ xuống thấp.

– Người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi sức khoẻ đàn vật nuôi, có chế độ chăm sóc và điều trị kịp thời khi con vật ốm. Thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y khi phát hiện các trường hợp động vật mắc bệnh, nghi ngờ mắc các bệnh nguy hiểm.

Nguyễn Công Tĩnh – Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số