Hà Giang: Kết quả và những tồn tại sau gần 5 năm triển khai Chương trình Phát triển cây dược liệu

Gửi lúc: 7:54, Ngày: 15-09-2016

Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có nguồn cây dược liệu tự nhiên phong phú và đa dạng. Trên địa bàn Hà Giang, cây dược liệu là một trong những loài cây trồng có giá trị kinh tế cao góp phần nâng cao thu nhập đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn của tỉnh. Vì vậy, từ năm 2012, tỉnh Hà Giang đã triển khai Dự án Phát triển cây dược liệu tại 6 huyện thuộc Chương trình 30a của Chính phủ (gồm 4 huyện vùng Cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần).
Theo khảo sát đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện trên địa bàn Hà Giang có trên 1.100 loài cây dược liệu quí hiếm khác nhau. Các loài cây dược liệu sống chủ yếu ở độ cao từ 1.000 đến 1.600 m so với mực nước biển. Có thể kể đến một số loài cây dược liệu chủ yếu của Hà Giang như: Hồi, thảo quả, ý dĩ, ấu tẩu, nghệ đen, đỗ trọng, óc chó, sa nhân, hương thảo, giảo cổ lam, bạch chỉ…Đây chính là cơ sở khoa học để tỉnh Hà Giang qui hoạch và triển khai “Chương trình phát triển cây dược liệu” giai đoạn 2012 – 2020 tại 6 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a, nhằm góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

cay-duoc-lieu

Dự án Phát triển cây dược liệu của Hà Giang đã được Chính phủ phê duyệt và đã được các Bộ, ngành chức năng của Trung ương thẩm định với qui mô 12.581 ha, trong đó diện tích trồng mới là 5.180 ha. Tổng số vốn thực hiện Dự án là 2.932 triệu đồng, trong đó vốn Nhà nước 1.409 triệu đồng (chiếm 48,05 %); vốn các doanh nghiệp là 708 triệu đồng (24,14%); vốn của các tổ chức kinh tế là 576 triệu đồng (19,64%) và vốn của các hộ nông dân là 237 triệu đồng (8,08%).
Sau gần 5 năm triển khai (từ đầu năm 2012 đến tháng 8/2016), Dự án phát triển cây dược liệu đã mang lại những kết quả bước đầu, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và phù hợp với tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Tính đến tháng 8/2016, tổng diện tích các loại cây dược liệu đã trồng đạt trên 1.464 ha. Trong đó, Công ty Cổ phần phát triển nông – lâm nghiệp Bình Minh 3 đã trồng được trên 65 ha, gồm các loại cây đương qui, lão quan thao, kỷ tử, xuyên khung, thiên niên kiện…;Công ty Cổ phần An VY trồng được 6,8 ha các loại cây như bạch truật, sinh địa, ngưu tất; Công ty TNHH MTV trồng được trên 35 ha, gồm các loại dược liệu như actiso, đương qui, bạch chỉ, ý dĩ; người dân tự trồng được 1.358 ha, gồm thảo quả, hương thảo, quế, hoa hồi, óc chó, ấu tẩu…
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Giang, cho tới thời điểm hiện nay, Dự án Phát triển cây dược liệu của Hà Giang vẫn chưa thực sự phát triển vững chắc, đặc biệt chưa có doanh nghiệp chính thức đầu tư nhà máy chế biến sâu về cây dược liệu; những vướng mắc về công tác nhân giống cây dược liệu và những vấn đề phát sinh gây khó khăn cho các doanh nghiệp……vẫn chưa được giải quyết kịp thời.
Xuất phát từ thực tiễn trên, để Chương trình Phát triển cây dược liệu đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Hà Giang đã đề xuất một số giải pháp như:
Cần sớm triển khai các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khi đầu tư trồng cây dược liệu gắn với đầu tư nhà máy chế biến (gồm hỗ trợ 30% thuế đất trồng cây dược liệu trong thời gian 5 năm đầu; hỗ trợ 5,0 tỷ đồng cho mỗi nhà máy chế biến sâu có vùng cây dược liệu). Tiếp tục đổi mới giải quyết các thủ tục đầu tư khi doanh nghiệp có nhu cầu trồng cây dược liệu gắn với đầu tư xây dựng nhà máy chế biến; có chính sách đặc thù hỗ trợ giải phóng mặt bằng để Công ty DK Phama đầu tư Dự án “Vườn bảo tồn và nhân giống cây dược liệu” tại xã Quyết Tiến huyện Quản Bạ để làm trung tâm nhân giống cây dược liệu cho toàn tỉnh; tổ chức đào tạo nghề cho nông dân vùng trồng cây dược liệu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến các loài cây dược liệu. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Giang sẽ căn cứ theo nhu cầu của các doanh nghiệp để đào tạo công nhân sơ chế các loài cây dược liệu. Công việc trước mắt là cần ưu tiên hỗ trợ tối đa cho 5 doanh nghiệp đã và đang triển khai phát triển cây dược liệu gắn với khuyến khích thu hút các doanh nghiệp khác tiếp tục đầu tư trồng và chế biến các loài cây dược liệu trên địa bàn của tỉnh.
*Chú thích ảnh: Kiểm tra sinh trưởng của cây Astiso tại huyện Quản Bạ – Hà Giang.

Phạm Văn Phú

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số