Hiện tượng phản ứng sau tiêm phòng vắc xin cho gia súc và cách xử lý

Gửi lúc: 8:57, Ngày: 25-01-2024

Trong quá trình thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc đôi khi xảy ra trường hợp gia súc có hiện tượng bị phản ứng với vắc xin phòng bệnh. Thông thường là các trường hợp phản ứng ở mức độ nhẹ, cục bộ tại chỗ tiêm như sưng, nóng, đau…hay phản ứng dị ứng như sốt, run rẩy, nổi mẩn trên bề mặt da…tuy nhiên cũng có trường hợp phản ứng mạnh ở mức độ nặng có thể làm gia súc bị chết. Hiện tượng phản ứng sau tiêm phòng thực tế cũng là hiện tượng phòng vệ của cơ thể bản thân con vật, vì vậy sau khi gia súc được tiêm phòng, cần phải cho gia súc nghỉ ngơi, bổ sung thêm vitamin C, điện giải, theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời các tình huống, sự cố có thể xảy ra. 

Cần lưu ý một số nguyên nhân gây ra hiện tượng phản ứng và cách xử lý:

Nguyên nhân gây ra phản ứng: Có một số nguyên nhân chủ yếu sau:

  – Có thể do con vật đó đang mang trùng của chính loại vắc xin sử dụng (hay còn gọi là con vật đang ủ bệnh) như vậy khi đưa vắc xin vào cơ thể con vật đang mang trùng sẽ rất dễ gây hiện tượng phản ứng sau khi tiêm.

 – Có thể khi tiêm phòng con vật đang bị ốm nhưng chưa biểu hiện các triệu chứng điển hình mà vẫn tiến hành tiêm phòng cho con vật, trường hợp này con vật hay bị phản ứng.

– Trong một số trường hợp trên cơ thể con vật đang mang vết thương chưa lành như thiến hoạn, xử lý ngoại khoa…khi đưa vắc xin vào cơ thể cũng rất dễ gây hiện tượng phản ứng.

– Do tác động cơ học như trong quá trình bắt giữ, cố định gia súc để tiêm phòng, nhiều con vật do sợ hãi trở nên hung dữ chạy nhảy lung tung, nếu đưa vắc xin vào thời điểm đó cũng gây nên phản ứng, cá biệt còn có hiện tuợng con vật bị sốc, choáng, chết ngay sau khi tiêm. Một số nơi khi tổ chức tiêm phòng ở thời điểm nắng, nóng con vật di chuyển ở xa tới, nếu không để con vật nghỉ ngơi trở lại bình thường mới tiêm cũng rất rễ gây hiện tuợng phản ứng.

– Chế độ chăm sóc nuôi dưỡng sau tiêm phòng cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp dẫn đến hiện tượng phản ứng, về nguyên tắc khi gia súc tiêm phòng xong phải để gia súc nghỉ ngơi và có chế độ chăm sóc tốt hơn bình thường nếu không cũng sẽ gây hiện tượng phản ứng.

– Một số yếu tố khác như việc bảo quản vắc xin, kỹ thuật tiêm phòng cũng có thể làm ảnh hưởng đến con vật gây hiện tuợng phản ứng.

Biểu hiện: Chủ yếu ở 2 dạng sau:

– Phản ứng cục bộ: Tại chỗ tiêm, vùng xung quanh nơi tiêm có hiện tượng sưng tấy, đỏ. Con vật thấy mệt mỏi hơn bình thường, nếu là vị trí tiêm ở chân con vật đi lại khó khăn hơn.

– Phản ứng toàn thân: con vật có thể biểu hiện như triệu chứng bệnh, ủ rũ, mệt mỏi ăn ít hoặc bỏ ăn, không muốn đi lại, có con rơi vào trạng thái sốt, khó thở.

Những biện pháp xử lý: Trước hết cần tìm hiểu nguyên nhân gây hiện tượng phản ứng để có biện pháp can thiệp đúng và kịp thời.

– Xử lý khi phản ứng ở mức độ nhẹ: Gia súc thường mệt mỏi, kém ăn lười vận động trong ngày sau khi tiêm phòng. Những triệu chứng này ở mức độ nhẹ và tự khỏi sau 1-2 ngày, cần theo dõi, chăm sóc và có chế độ ăn phù hợp cho con vật sau khi tiêm phòng.

– Xử lý khi áp xe:

+ Các nguyên nhân gây áp xe: do tiêm sai vị trí, do kim tiêm dùng để tiêm vắc xin không vô trùng, do vắc xin lúc tiêm không đủ chất lượng (đang còn lạnh, hỏng do bảo quản, vận chuyển không đúng cách…).

+ Cách nhận biết: Vùng tiêm bị áp xe dùng tay và mắt có thể nhận biết được, dùng tay sờ vùng viêm thấy nổi cục, thời gian đầu mới phát hiện thì cục áp xe sẽ cứng và nóng, con vật cảm thấy đau đớn khi sờ vào. Bằng mắt thường thì ta sẽ thấy vùng áp xe sẽ nổi cục và ửng đỏ xung quanh viền, sau đó dần dần ổ áp xe sẽ mềm dần và vỡ ra có mủ. Cùng với áp xe là các triệu chứng viêm, con vật mệt mỏi, sốt…

+ Cách xử lý: Nếu phát hiện sớm và áp xe nhỏ sử dụng các loại thuốc kháng sinh và kháng viêm. Nếu ổ áp xe quá to, nằm sâu ở cơ hoặc phát hiện quá muộn thì cần chọc dịch cho mủ thoát ra ngoài sau khi ổ áp xe đã mềm. Sau khi chọc dịch rửa bằng muối sinh lý và dùng sát trùng và vệ sinh vết thương, hằng ngày kết hợp dùng kháng sinh và kháng viêm. Một số loại thuốc sử dụng, kháng sinh: Amoxicillin, Lincomycin…; kháng viêm: Ketoprofen, Dexamethasone…; thuốc sát trùng dùng cồn iodin, nước muối sinh lý và oxy già vệ sinh vết thương hằng ngày (Lưu ý: Liều dùng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất). Sau khi xử lý áp xe xong thì vắc xin tiêm lúc trước không có tác dụng chúng ta cần theo dõi sức khỏe con vật để tiêm phòng vắc xin lại từ đầu.

Xử lý sốc phản vệ sau tiêm phòng vắc xin: Sốc phản vệ sau tiêm phòng vắc xin là trường hợp nguy hiểm nhất sau khi tiêm phòng vắc xin vì có thể ảnh hưởng đến tính mạng của con vật. Vì vậy nên theo dõi con vật ít nhất 30 phút sau khi tiêm phòng vắc xin.

+ Cách nhận biết: Con vật thở gấp gáp, lảo đảo, thân nhiệt hạ, mạch nhanh, co rút các cơ, tụt huyết áp, mắt đờ đẫn, sùi bọt mép, nghiến răng, lông dựng, nôn mửa. Cá biệt trường hợp cấp tính còn có thể suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng rất dễ gây chết.

+ Cách xử lý: Đưa con vật vào nơi yên tĩnh, thoáng khí, có bóng râm, tránh làm con vật hoảng sợ, sử dụng các loại thuốc chống sốc, trợ tim như Cafein, Adrenalin để cấp cứu. Dùng thuốc trợ sức, trợ lực để tiêm cho con vật như: Vitamin, Glucose, Bcomlex,…

Người chăn nuôi sau khi tiêm phòng cần chú ý theo dõi, quản lý gia súc chặt chẽ, nếu thấy con vật có hiện tượng phản ứng cần báo ngay cho cán bộ thú y xã, huyện để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Nguyễn Công Tĩnh – Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số