Hội Nghị sử dụng, kinh doanh thuốc thú y đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Gửi lúc: 15:25, Ngày: 13-05-2016

Để đảm bảo sản xuất chăn nuôi an toàn thực phẩm và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản;

Ngày 12/5/2016, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Công ty cổ phần MARPHAVET tổ chức Hội thảo “Sử dụng, kinh doanh thuốc thú y đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và hiệu quả với gia súc, gia cầm trên địa bàn Tỉnh Lào Cai tại thành phố Lào Cai với 300 đại biểu tham gia là các nhà quản lý của các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai, phòng Nông nghiệp/Kinh tế, trạm Khuyến nông, trạm Chăn nuôi và Thú y 09 huyện thành phố cùng các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, chủ trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh. Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Tô Mạnh Tiến- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

IMG_3572
Hội nghị sử dụng kinh doanh, sử dụng thuốc thú y ATVS thực phẩm

 Hội nghị đã đánh giá tình hình phát triển chăn nuôi và quản lý, sử dụng thuốc thú y trên địa bàn tỉnh. Trong những năm gần đây, chăn nuôi của tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng hàng năm đạt trên 6-8%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại gia súc, gia cầm năm 2015 đạt 52.709 tấn, bằng 144,5 % so với năm 2014, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh.

Chăn nuôi lợn và gia cầm theo hướng trang trại, công nghiệp bước đầu phát triển khá tốt ở vùng thấp: đã có 297 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận kinh tế trang trại; có 04 doanh nghiệp đăng ký xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn công nghệ cao, quy mô 200-1.200 nái và 3.000-10.000 lợn thịt, 01 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 30-35 ngàn con. Nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi đã có thu nhập vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Đồng thời bắt đầu hình thành các hình thức liên kết sản xuất trong chăn nuôi, điển hình có các mô hình: HTX chăn nuôi Quý Hiền (huyện Bảo Thắng); Chuỗi lợn đen bản địa; Chuỗi lợn trắng; Dự án phát triển chăn nuôi gia súc huyện Si Ma Cai… các sản phẩm đặc sản bản địa, chất lượng cao (thịt lợn Mường Khương, lợn đen vùng cao, gà H,Mông, trứng vịt Sín Chéng) đã có mặt tại thị trường ở các thành phố lớn (Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng) và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để đáp ứng nhu cầu phòng và điều trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngoài lượng vắc xin được Nhà nước hỗ trợ hàng năm, hiện nay toàn tỉnh Lào Cai có 73 cơ sở kinh doanh thuốc thú y và 11 cơ sở hành nghề thú y với trên 200 danh mục thuốc  thú y cơ bản đáp ứng đủ thuốc cho các hộ chăn nuôi. Trong đó, công ty cổ phần MARPHAVET có 13 đại lý với trên 200 sản phẩm cung ứng trên địa bàn Lào Cai từ năm 2008 được người chăn nuôi tin dùng. Vì vậy, mặc dù hàng năm có phát sinh dịch bệnh như: Dịch Lở mồm long móng, dịch dại chó, dịch cúm gia cầm nhưng đã được khống chế kịp thời. Với những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi đã đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và công tác xoá đói giảm nghèo của tỉnh.

Tuy nhiên, ngành Chăn nuôi của tỉnh Lào Cai cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: rét đậm, rét hại, dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh, diễn biến phức tạp; thị trường chăn nuôi nhiều biến động; giá thức ăn liên tục tăng cao; các thông tin về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; sử dụng thuốc thú y không đúng quy trình, lạm dụng kháng sinh trong phòng, trị bệnh dẫn đến sản phẩm động vật bị tồn dư kháng sinh, không đảm bảo vệ sinh ATTP… gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm lý người tiêu dùng. Mặc dù vậy, qua kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và thuốc thú y ngoài danh mục trong thời gian vừa qua.

Sản xuất Nông nghiệp là mặt trận quan trọng hàng đầu, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó ngành chăn nuôi và thú y đóng vai trò rất lớn. Những năm qua, ngành chăn nuôi đã được Tỉnh quan tâm phê duyệt quy hoạch chăn nuôi, kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi và nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chính sách phòng chống dịch bệnh, phát triển trang trại… Để đạt được mục tiêu Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 tỷ trọng chăn nuôi chiếm 37,4% cơ cấu nội ngành, phát triển chăn nuôi bền vững cần phải giải quyết, tháo gỡ được cơ bản các khó khăn, tồn tại, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trú trọng tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn; Tất cả các khâu trong chuỗi cần được quản lý, giám sát đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng.

Hội thảo đã đưa ra các giải pháp trong thời gian tới: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công tác Thú y, nhất là kinh doanh Thuốc thú y, Vắc-xin,Thức ăn chăn nuôi… trên cơ sở hỗ trợ tối đa cho Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhưng phải đảm đúng theo quy định của pháp luật; Tăng cường tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm sinh học không đúng quy định, đặc biệt việc sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh để phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, thuỷ sản; Đồng thời cung ứng các loại thuốc sử dụng cho thú y đảm bảo chất lượng, số lượng. Hướng dẫn người chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản không sử dụng chất cấm, thuốc thú y ngoài danh mục, tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng kháng sinh trước khi xuất bán và giết mổ nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh trong sản phẩm động vật, thuỷ sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hiệu quả./.

                                                          Trần Thị Thuyết Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số