Lào Cai chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi

Gửi lúc: 8:18, Ngày: 26-12-2023

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, qua thống kê, dự báo địa phương sẽ có trên 1.000 con gia súc không có thức ăn và trên 1.500 con gia súc không có chuồng trại, có nguy cơ bị chết đói, rét khi xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài. Để khắc phục tình trạng này, Lào Cai cần phải có thêm khoảng 300 tấn thức ăn và khoảng 7.600 vải bạt, bao dứa, tấm nylon, vật tư các loại để đảm bảo phòng chống rét cho đàn gia súc.

Những ngày nhiệt độ dưới 13 độ C, mưa gió, các hộ nuôi nhốt cho ăn tại chuồng, không chăn thả gia súc hoặc bắt gia súc làm việc

Hiện nay, Lào Cai đã có trên 33.700/42.000 hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo phòng chống rét, chiếm 80,5%; trên 6.600 hộ có chuồng tạm chưa bảo đảm phòng, chống rét, chiếm gần 16%; hơn 1.500 hộ không có chuồng trại, chiếm 3,6%.

Về thức ăn, tổng diện tích cỏ trồng toàn tỉnh đạt trên 2.700 ha, sản lượng ước đạt khoảng 700 nghìn tấn, đáp ứng được trên 50% nhu cầu thức ăn xanh cho đàn gia súc lớn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 24.675 hộ dự trữ đủ nhu cầu thức ăn thô xanh từ 200 kg thức ăn/con trở lên, tương đương khoảng 4.880 tấn, chiếm 58,8%; có 14.458 hộ dự trữ dưới 200 kg thức ăn/con, tương đương khoảng 2.943 tấn, chiếm 34,4%; có 2.811 hộ chưa dự trữ thức ăn, chiếm 6,8% số hộ chăn nuôi gia súc lớn.
Như vậy, Lào Cai vẫn còn hàng chục nghìn hộ chăn nuôi chưa dự trữ đủ thức ăn cho gia súc, không có chuồng trại hoặc chuồng tạm chưa đảm bảo trong vụ Đông Xuân 2023-2024. Trong khi đó, theo dự báo của các cơ quan chức năng, các đợt rét hại, rét đậm tại Lào Cai sẽ tập trung cao điểm vào tháng 12/2023 và tháng 01/2024.

Người dân cần chủ động tích trữ rơm rạ đảm bảo đủ thức ăn cho đàn gia súc của gia đình trong mùa đông giá rét

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do rét đậm, rét hại, mưa tuyết, sương muối gây ra, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương huy động toàn hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền để lan tỏa tinh thần phòng chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư sản xuất, thức ăn, chuồng trại, cây giống, con giống thích ứng với thời tiết, thiên tai có khả năng chịu rét; đảm bảo các điều kiện phục vụ sản xuất đầy đủ, kịp thời (giống, phân bón, vật tư nông nghiệp) vụ Đông Xuân đối với tất cả các cây trồng, vật nuôi trước khi triển khai sản xuất.

Tuyên truyền, khuyến cáo người dân tranh thủ những ngày trời nắng thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo; gieo ngô dày làm thức ăn bổ sung cho đàn gia súc; tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên… để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh. Theo đó, thức ăn được dự trữ phải đảm bảo chất lượng, không bị thối mốc; số lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi con trâu, bò tối thiểu từ 200 kg/con trở lên.Hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật chế biến để cải thiện dinh dưỡng của rơm, rạ và các phụ phẩm nhiều chất xơ…

Vận động các hộ chăn nuôi có chuồng nuôi nhưng chưa đảm bảo yêu cầu phòng chống rét; các hộ chưa có chuồng nuôi khẩn trương sửa chữa, làm mới chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho gia súc trong mùa Đông. Những hộ chăn thả gia súc trong rừng, trong tháng 11/2023 phải thực hiện xong việc di chuyển đàn gia súc về chăn thả và nuôi nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió có đủ các điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét.

Nuôi nhốt trong chuồng và trồng cỏ xanh là phương án được người dân chọn khi chống rét cho đàn gia súc

Vỗ béo gia súc gầy yếu, xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt, không nên nuôi lưu đàn quá lâu nhằm giảm bớt khó khăn cho việc phòng chống đói, rét và hạn chế thiệt hại trong mùa đông. Tăng cường chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe cho gia súc để chống rét và dịch bệnh. Những gia súc già yếu, con non cần có chế độ chăm sóc hợp lý để tăng cường sức đề kháng với dịch bệnh, giá rét.

Khi xảy ra rét đậm, rét hại nhiệt độ từ 13 – 15 độ C, các địa phương tập trung lực lượng xuống các thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không chăn thả và bắt gia súc làm việc trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Những ngày nhiệt độ dưới 13 độ C, mưa gió, các hộ nuôi nhốt cho ăn tại chuồng, không chăn thả gia súc hoặc bắt gia súc làm việc; cung cấp đủ lượng thức ăn thô xanh cho mỗi con gia súc trưởng thành tối thiểu 5kg rơm khô/ngày hoặc 20 kg thức ăn xanh/ngày; cho gia súc uống nước muối ấm; bổ sung thức ăn tinh, các loại Vitamin để tăng sức đề kháng cho gia súc, dùng bạt, chăn cũ để làm áo ấm cho gia súc.
Đặc biệt, các xã có đàn gia súc di chuyển đi tránh rét thực hiện thống kê số hộ, số lượng đàn gia súc dự kiến di chuyển đi và nơi di chuyển đến. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trước khi di chuyển đàn gia súc đến các địa phương khác tránh rét phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc; xin giấy chứng nhận đã tiêm phòng của Uỷ ban nhân dân xã, thực hiện khai báo với địa phương nơi di chuyển đến để quản lý dịch bệnh; làm lán trại để giữ ấm cho gia súc (có mái che, kín gió và cao ráo); định kỳ tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi nhốt gia súc; thường xuyên thu gom phân, rác đảm bảo vệ sinh môi trường.

Riêng thị xã Sa Pa có đàn gia súc di chuyển đi tránh rét (Nơi di chuyển gia súc đi tránh rét: Xã Trung Chải, xã Tả Phìn, phường Hàm Rồng, phường Sa Pả di chuyển đến nơi để tránh rét: Xã Cốc San, TP Lào Cai; xã Tòng Sành, huyện Bát Xát) cần triển khai, thực hiện tốt việc quản lý đàn gia súc di chuyển đi tránh rét theo quy định.

Chấp hành việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc theo quy định; thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh cho gia súc thường mắc trong mùa Đông (cước chân, bệnh đường hô hấp…); tẩy ký sinh trùng, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc trước mùa Đông.

Tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh; khi có dịch bệnh xảy ra phải báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn chẩn đoán chính xác bệnh, tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch đúng quy trình có hiệu quả, không để dịch lây lan trên diện rộng gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi. Tổ chức thực hiện tiêu độc khử trùng ở những nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh như: Ổ dịch cũ, điểm giết mổ, khu vực chăn nuôi, bãi chăn thả, chợ buôn bán gia súc, gia cầm,… Tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm tra, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên đại bàn.

Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào cai.

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số