Lưu ý phòng chống bệnh Dại trong mùa nắng nóng

Gửi lúc: 10:21, Ngày: 25-04-2023

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus hướng thần kinh gây nên, lây truyền giữa động vật và người. Bệnh phát sinh theo mùa, đặc biệt ở mùa hè, khi thời tiết nắng nóng, chó mèo chưa được tiêm phòng vắc xin dại.

Mùa hè, thời tiết nắng nóng tạo điều kiện để virus Dại phát sinh, phát triển. Con vật gặp thời tiết nắng nóng kéo dài cơ thể sẽ bị mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm, là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh tấn công.

Từ đầu năm đến nay đã phát hiện 04 trường hợp chó bị mắc bệnh Dại thuộc 04 thôn,04 xã của 03 huyện, thành phố: Mường Khương, Văn Bàn, TP Lào Cai (xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn 01 trường hợp; xã Bản Lầu, huyện Mường Khương 01 trường hợp; xã Cam Đường, Vạn Hòa thành phố Lào Cai 02 trường hợp).

Tỉnh Lào Cai, theo số liệu thống kê tổng đàn chó hiện có khoảng gần 100.000 con. Ở thành phố Lào Cai,  nhu cầu chơi chó cảnh, mèo cảnh khá phổ biến nên số lượng đàn chó, mèo đã và đang có chiều hướng gia tăng.

Tuy nhiên, việc quản lý chó nuôi tại nhiều địa phương và gia đình chưa được thực hiện đúng theo quy định, việc lập sổ sách theo dõi chưa đảm bảo, còn để chó thả rông ở những nơi công cộng, nhất là khu vực nông thôn. Việc tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó chưa được người dân nghiêm chỉnh chấp hành, tỷ lệ tiêm phòng chưa cao, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh tiêm phòng vắc xin bệnh Dại cho đàn chó được 37.825 liều mới đạt khoảng 38% tổng đàn.

Ảnh: Người nuôi chó chấp hành việc tiêm phòng vắc xin Dại cho chó

Vì vậy, để chủ động ngăn chặn bệnh Dại cho người và đàn chó mèo, người chăn nuôi cần:

– Chủ động tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo để tạo miễn dịch. Đồng thời cần thực hiện tốt những quy định về quản lý chó nuôi, khai báo với chính quyền địa phương về việc nuôi chó.

– Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng,  phải đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ và dắt chó.

– Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

– Theo dõi chó, mèo nuôi. Khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện bất thường, chủ vật nuôi phải nhốt, xích con vật đó và con vật bị cắn để theo dõi, đồng thời báo cho nhân viên thú y cấp xã. Tuyệt đối không được vận chuyển, giết mổ hoặc bán chó, mèo mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại đi nơi khác.

– Khi chó, mèo mắc bệnh Dại, chủ vật nuôi phải tiêu hủy ngay con vật. Trường hợp không xác định được chủ nuôi, UBND cấp xã chỉ đạo tiêu hủy con vật. Đồng thời vệ sinh khử trùng tiêu độc và áp dụng biện pháp chống bệnh Dại theo quy định.

– Chó đưa vào giết mổ phải có giấy chứng nhận tiêm phòng của cơ quan Thú y. Người thường xuyên buôn bán, giết mổ, chế biến thực phẩm từ chó phải tiêm phòng Dại theo quy định của Bộ Y tế.

* Theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, Nghị định số 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ:

Chủ vật nuôi phải chịu mọi chi phí khi có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và xử lý chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người hoặc có chó, mèo mắc bệnh Dại, nghi mắc bệnh Dại cắn, cào người khác (Trừ các trường hợp mua Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ nuôi chó) phải bồi thường theo quy định của Pháp luật.

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+ Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;

+ Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng./.

Phan Thị Hảo – Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai.

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số