QUY TRÌNH KỸ THUẬT NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ HỒI VÂN TRONG AO/BỂ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Gửi lúc: 15:23, Ngày: 12-10-2023

I. Một số đặc điểm sinh học của cá hồi vân

1. Hình thái

Cá hồi vân có hình dáng thuôn. Trên lưng, lườn, đầu và vây có các chấm màu đen hình cánh sao. Ở cá trưởng thành trên thân có một dải màu hồng chạy dọc theo đường bên, dải này càng đậm ở thời kỳ cá sinh sản và bụng có màu trắng bạc.

2. Đặc điểm dinh dưỡng

Cá hồi là loài cá ăn động vật, khi cá trưởng thành chủ yếu ăn cá con, ăn giáp xác, nhuyễn thể, côn trùng. Ở giai đoạn nuôi thương phẩm, cá hồi vân sử dụng hoàn toàn thức ăn chế biến dạng viên với hàm lượng đạm khoảng trên 40% và hàm lượng mỡ khoảng trên 20%.

3. Đặc điểm sinh trưởng

Tốc độ tăng trưởng của cá hồi vân trong điều kiện nuôi phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường nước, tốc độ dòng chảy và chất lượng thức ăn cũng như điều kiện cho ăn. Trong điều kiện môi trường tốt, thức ăn và cho ăn tốt, cá có thể đạt 1,2 – 1,5 kg sau 1 năm nuôi.

4. Các yếu tố môi trường

Nhiệt độ để cá hồi vân phát triển bình thường có thể thấp hơn 5oC cho đến trên 22oC. Cá hồi vân sinh trưởng và phát triển tốt nhất trong điều kiện nhiệt độ nước từ 15 – 17oC, nồng độ oxy hoà tan đạt > 6mg/l, tốc độ nước cần đạt là 30 – 50 m3/giờ.

Cá hồi vân (Oncorhynchus mykiss Walbaum,1792)

II. Quy trình kỹ thuật nuôi cá hồi vân thương phẩm

1. Sơ đồ quy trình

Chuẩn bị bể nuôi

===>

Thả cá giống

===>

Quản lý, chăm sóc

===>

Thu hoạch

2. Chuẩn bị bể nuôi

2.1. Nguồn nước

– Điều kiện môi nguồn nước: Nuôi cá hồi vân thường sử dụng các nguồn nước tự nhiên (sông, suối, các hồ chứa nhân tạo hoặc các hồ tự nhiên), đảm bảo trong sạch, lạnh, hàm lượng oxy hoà tan cao và đủ cấp quanh năm. Nguồn nước phải đảm bảo các tiêu chí sau:

+ Lượng nước cấp cho bể nuôi cá hồi được chảy liên tục, tốc độ nước cần đạt là 30 – 50 m3/giờ.

+ Các chỉ số môi trường tối ưu: Oxy > 6 mg/l; pH 6, 5 – 8; Nhiệt độ 10 – 17oC; hàm lượng các chất khí hòa tan gây độc trong nước đều ở dưới ngưỡng cho phép (chi tiết tại bảng 1).

Bảng 1: Điều kiện môi trường nước nuôi cá hồi vân

STT

Chỉ tiêu

Yêu cầu kỹ thuật

1

Nhiệt độ

10 – 17 oC

2

pH

6 – 8,5

3

NH3

< 0,02 mg/l

4

H2S

< 0,003 mg/l

5

DO

> 6 mg/l

6

Độ trong

> 60 cm

2.2. Thiết kế bể nuôi

Dùng bể Composite hoặc bể xi măng để nuôi cá, hình dáng tùy thuộc vào điều kiện địa hình thực tế (hình tròn, vuông, chữ nhật,…). Bể có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, nước chảy liên tục, giữa hoặc cuối bể có rốn thoát nước. Ngoài ra, khi thiết kế cũng cần chú ý hệ thống tuần hoàn nước tại cơ sở nhằm tiết kiệm nước và xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.

Bảng 2: Yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống nuôi cá hồi vân thương phẩm

STT

Yếu tố kỹ thuật

Yêu cầu kỹ thuật

1

Thể tích

50 – 200 m3

2

Vật liệu làm bể

bể xi măng hoặc Composite

3

Hình dạng

Tùy thuộc vào địa hình (hình tròn, hình vuông có vát góc, chữ nhật …)

4

Độ sâu nước

1,5 – 2m

5

Chiều cao mặt nước với thành bể

20 cm

6

Đường kính ống cấp nước

90 – 200 mm

7

Vị trí ống cấp nước

Sát thành bể tạo dòng chảy hoặc vòng xoáy của nước

2.3. Thiết bị phụ trợ

– Hệ thống sục khí: Là thiết bị chủ yếu nhất của bể nuôi, thường dùng máy nén khí, máy bơm để tăng lượng oxy, trong bể bố trí dây sủi, quả sủi để không khí được phát tán đều trong nước nhằm tăng oxy hòa tan. Ao đất có thể dùng quạt nước.

– Thiết bị che nắng: Mái che, lưới nilon màu đen hoặc mái tôn…để che ánh nắng trực tiếp làm nhiệt độ nước tăng cao.

– Bể sục khí: Sau khi nước được lắng lọc đưa vào bể sục khí, dùng máy nén khí hoặc máy phun nước để làm tăng hàm lượng oxy hòa tan, đồng thời giúp oxy hóa các chất hữu cơ trong bể.

2.4. Chuẩn bị

Bể không rỏ rỉ hệ thống cấp, thoát nước đảm bảo nước được cung cấp đều, cân đối giữa nước vào và thoát ra. Lưu tốc dòng chảy cấp vào bể nằm trong khoảng từ 30 – 50m3/giờ. Bể cần có hệ thống sục khí để đảm bảo lượng oxy hòa tan (>6 mg/l).

Trước khi thả cá bể được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng bằng các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản (Iodine, chlorine, thuốc tím…). Sau đó lấy nước vào bể đạt 1,5 – 2 m, các chỉ số môi trường nước phù hợp theo yêu cầu (nhiệt độ 10 – 17oC, oxy hòa tan >6 mg/l, pH từ 6 – 8,5).

3. Thả giống

3.1. Thời điểm thả

Thời điểm thả vào sáng sớm hoặc chiều mát. Cá giống vận chuyển nhẹ nhàng tránh xây xát. Trước khi thả tiến hành tắm cho cá bằng dung dịch nước muối nồng độ 2 – 3% (2 – 3kg muối pha trong 100 lít nước) trong thời gian 5 – 10 phút.

Thuần hóa giống: Cá vận chuyển về trước khi thả thuần hóa bằng cách ngâm túi chứa cá giống trong bể nuôi khoảng 15 – 30 phút hoặc cho nước từ bể nuôi vào bể hay túi vận chuyển cá một cách từ từ, đảm bảo cá không bị sốc do chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường nuôi và môi trường của thiết bị vận chuyển.

3.2. Mùa vụ thả

Thả giống nuôi vào tháng 8 -12, có thể thả quanh năm. Cá hồi vân đạt cỡ thương phẩm trung bình (1,0 – 1,2 kg/con) từ cá giống cỡ 3 – 5 g/con trong thời gian nuôi 10 – 12 tháng.

3.3. Mật độ thả

Mật độ thả 20 – 25 con/m3 nước. Khi cá lớn định kỳ 5 – 6 tháng chọn lọc những cá thể đồng cỡ nuôi riêng và giảm dần mật độ cá thả mỗi lần san thưa cá xuống thấp từ 10 – 12 con/m3.

3.4. Chất lượng

Cá lựa chọn thả khỏe mạnh, đồng đều về kích thước và màu sắc. Không trầy xước, không dị hình. Cá phản xạ nhanh, không bị mất nhớt, bơi theo đàn, không có dấu hiệu bị các bệnh ký sinh trùng, bệnh chướng hơi, sưng miệng…

4. Quản lý Chăm sóc

4.1. Chăm sóc

a) Thức ăn

Thức ăn cho cá hồi là thức ăn công nghiệp, kích cỡ thức ăn được lưu ý trong bảng dưới đây. Trong suốt quá trình nuôi cần lưu ý các hình thức cho ăn và khẩu phần ăn áp dụng riêng cho từng giai đoạn nuôi:

Bảng 3: Cỡ cá và kích thước thức ăn phù hợp

TT

Cỡ cá (g)

Đường kinh viên thức ăn (mm)

1

5 – 300

2,5

2

300 – 1.000

3,5

3

>1.000

5 – 7

b) Cách cho ăn

– Thường xuyên quan sát được các hoạt động của cá, lượng thức ăn thừa trong quá trình cho ăn.  Khẩu phần ăn của cá hằng ngày thường dựa vào trọng lượng quần đàn cá, nhiệt độ nước và điều chỉnh linh hoạt trong quá trình cho ăn.

– Số lần cho ăn trong ngày tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và giai đoạn phát triển của cá. Trong điều kiện thời tiết thích hợp chế độ cho ăn như sau:

+ Đối với giai đoạn cá giống đến khi đạt 300 gam/con cho ăn 4 lần/ngày (lúc 07 giờ, 10 giờ, 14 giờ, 18 giờ)

+ Cá từ 300 gam/con cho ăn 3 lần/ngày (07 giờ, 12 giờ, 17 giờ)

+ Cá trên 1.000 gam/con cho ăn ngày 2 lần (07 giờ và 16 giờ)  

Trong điều kiện bất lợi như mưa nhiều nguồn nước bị vẩn đục, nhiệt độ tăng cao,… thì ngừng cho ăn.

Cho cá ăn theo đúng thời gian quy định trong ngày và ở vị trí nhất định để cá sử dụng thức ăn tốt nhất.

Quan sát cá bắt mồi lúc cho ăn, tránh hiện tượng dư thừa thức ăn quá nhiều trong bể nuôi, gây ô nhiễm môi trường và tăng lượng thức ăn tiêu thụ.

Bảng 4: Tỷ lệ cho cá ăn hàng ngày (%/trọng lượng cá/ngày)

TT

Trọng lượng (g)

Khẩu phần ăn (%)

1

5 – 150

3 – 5

2

150 – 300

2 – 3

3

300 – 600

1,5 – 2

4

600 – 1000

1 – 1,5

5

> 1.000

1,0

4.2. Quản lý chăm sóc

– Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường như nhiệt độ, oxy hòa tan. Nên duy trì nhiệt độ 15 – 17oC. Oxy hòa tan mức > 6 mg/l trong bể.

– Thường xuyên kiểm tra nguồn nước cấp vào bể, vệ sinh, xi phông đáy bể hàng ngày tránh hiện tượng nước ô nhiễm do lượng thức ăn nhiều và chất thải … do hàm lượng đạm, mỡ trong thức ăn cá hồi rất cao.

– Theo dõi các biểu hiện bất thường của cá, vớt cá chết, ghi chép số lượng để điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày cho phù hợp và phát hiện dịch bệnh từ sớm để kịp thời chữa trị.

– Duy trì nước sạch chảy liên tục, lưu tốc nước với lưu tốc nước đạt 30 – 50m3/giờ tùy theo mật độ thả để duy trì hàm lượng oxy trong nước ổn định.

– Trong quá trình nuôi cần sử dụng máy phun nước, máy tạo dòng, máy sục khí, thổi khí làm tăng hàm lượng oxy hòa tan và oxy hóa hợp chất hữu cơ sinh ra trong quá trình nuôi để hạn chế nước bể bị ô nhiễm ao/bể nuôi.

– Khi thấy trong đàn có hiện tượng kích cỡ cá không đồng đều cần chọn lọc những cá thể đồng cỡ nuôi riêng và san thưa mật độ nuôi (10 – 12 con/m3).

– Định kỳ tắm nước muối cho cá với nồng độ 2 – 3%, bổ sung vitamin C với liều lượng 10gam/1 kg để nâng cáo sức đề kháng cho cá.

– Trong trường hợp trời mưa làm nguồn nước cấp bị vẩn đục thì tiến hành sục khí mạnh, đồng thời hạ thấp mực nước trong bể nuôi. Sau khi nguồn nước cấp đã trong lại cần tắm cho cá bằng dung dịch nước muối 2 – 3% trong thời gian 10 – 15 phút hoặc các sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

5. Ghi chép và giám sát thường xuyên

– Ghi chép, theo dõi các yếu tố môi trường nước (nhiệt độ, oxy, pH, NH3/H2S ); Chế độ thay nước, cho ăn, dùng thuốc, hiện trạng bắt mồi của cá để có kế hoạch chăm sóc, quản lý đàn cá phù hợp.

– Chế độ theo dõi các chỉ số: Nhiệt độ, oxy, pH 1 – 2 lần/ngày; đo chỉ số NH3/H2S: 1 lần/tuần.

6. Thu hoạch

Cá hồi nuôi khoảng 10 – 12 tháng có kích cỡ trung bình đạt 1 – 1,2 kg tiến hành thu hoạch.         

Chú ý khi thu hoạch cần thực hiện thao tác nhẹ nhàng, nhanh vì cá hồi rất yếu, dễ bị chết làm giảm giá trị cá thu hoạch.

Thu cá theo định kỳ, ngừng cho cá ăn trước thời điểm thu hoạch khoảng 3 ngày. Ép cá trong điều kiện chật hẹp để quen với môi trường khi vận chuyển cá. Theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ có thể thu hoạch toàn bộ hoặc từng phần, tuy nhiên không nên thu hoạch quá nhiều lần gần nhau dễ làm cá bị stress, bỏ ăn, yếu hơn.

III. Một số bệnh thường gặp và biện pháp phòng trị

1. Một số bệnh thường gặp và cách phòng trị

Các bệnh chủ yếu ở cá hồi vân là bệnh do vi khuẩn, sán lá đơn chủ, bệnh thối mang, nấm mang, bệnh thận,…

2. Phòng bệnh

Tuân thủ quy trình phòng bệnh tổng hợp:

– Chọn địa điểm xây dựng trại phải có nguồn nước cấp quanh năm, đảm bảo trong sạch, các chỉ số thuỷ lý, thuỷ hoá phải phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cá, cách xa khu vực dân cư sinh sống, không có nguồn nước thải sinh hoạt hay nước thải công nghiệp đổ vào.

– Trước khi nuôi cá, phải vệ sinh sạch sẽ bể nuôi bằng các hóa chất tiệt trùng như Chlorin, Formaline,…

– Kiểm dịch con giống trước khi thả nuôi. Chọn những cá giống khỏe mạnh, không bị xây xát, bơi lội bình thường, không bị dị hình.

– Khử trùng con giống trước khi thả: Trước khi thả cá cần tắm cho con giống bằng dung dịch nước muối 5 %, thời gian 10 – 15 phút, trong thời gian tắm cho cá phải có sục khí và theo dõi sức khoẻ của cá, nếu con nào yếu và bị chết cần loại bỏ ngay.

– Lựa chọn thức ăn chất lượng: Thức ăn sử dụng phải lựa chọn thức ăn của các hãng sản xuất có uy tín và chất lượng để tránh tình trạng mầm bệnh đưa vào trại nuôi từ nguồn thức ăn.

– Sát trùng dụng cụ: Dụng cụ là một trong những nơi nuôi chứa mầm bệnh, vì vậy trong quá trình nuôi dụng cụ cần được rửa sạch và để khô sau mỗi lần cho cá ăn, thường xuyên khử trùng dụng cụ bằng formalin…

– Thức ăn cho cá không ôi thiu, ẩm mốc.

– Bổ sung các vitamin vào thức ăn hàng ngày cho cá.

– Định kỳ xả cạn nước tiến hành vệ sinh bể sạch sẽ.

– Trong quá trình nuôi hạn chế các thao tác gây strees cho cá nuôi.

 2. Trị bệnh

2.1. Bệnh nấm

– Tác nhân gây bệnh: Dermocystidium sp, Branchiomyces sp.

– Dấu hiệu bệnh lý: Các bào tử nấm bám vào mang, da làm cho cá bị thương, cản trở hô hấp.

Cá giảm ăn, bơi lờ đờ, bỏ ăn, yếu và chết.

– Trị bệnh:

+ Cách 1: Dùng thuốc tím (KMnO4) với liều lượng 5 – 7gam/m3 trong thời gian 10 – 15 phút. Sử dụng máy sục khí, quạt nước trong quá trình điều trị. Ngâm nhắc lại sau 2 ngày, 4 ngày, 6 ngày với liều lượng 2 – 3gam/m3.

+ Cách 2: Dùng hóa chất Bronopol hoặc các sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản để điều trị nấm, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

2.2. Bệnh xuất huyết do vi khuẩn

– Tác nhân gây bệnh: do vi khuẩn Aeromonas spp gây ra.

– Dấu hiệu bệnh lý: Xuất hiện đốm đỏ ở gốc vây, quanh miệng, mắt và hậu môn, bụng tích dịch.

– Trị bệnh: Liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai để được hướng dẫn, tư vấn; lấy mẫu xét nghiệm làm kháng sinh đồ để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

2.3. Bệnh liên cầu khuẩu

– Tác nhân gây bệnh: là do vi khuẩn Streptococcus spp gây ra.

– Dấu hiệu bệnh lý: Cá bơi lờ đờ trên tầng mặt, nghiêng mình trên mặt nước và quay tròn một vài vòng sau đó tử vong. Mắt cá bị lồi, hậu môn sưng đỏ; giải phẫu trong xoang bụng chứa nhiều dịch

 – Trị bệnh: Khử nước bằng Iodine, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai để được hướng dẫn, tư vấn; lấy mẫu xét nghiệm làm kháng sinh đồ để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

2.4. Bệnh thận (BKD)

– Tác nhân gây bệnh: là do vi khuẩn Coryne bacterium gây ra.

– Dấu hiệu bệnh lý: Thận bị đốm trắng, gan và thận bị xuất huyết, bơi gần mặt nước, sắc tố chuyển màu đen.

– Trị bệnh: Sử dụng kháng sinh có gốc oxytetracycline hoặc Sulfamerazine. Liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai để được hướng dẫn, tư vấn; lấy mẫu xét nghiệm làm kháng sinh đồ để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

2.4. Bệnh thối mang

– Tác nhân gây bệnh: là do vi khuẩn Myxobacterium gây ra.

– Dấu hiệu bệnh lý: Cá bỏ ăn, mang sưng đỏ và xuất huyết, các sợi mang dính vào nhau.

– Trị bệnh: Sục khí và sát trùng, lọc nước loại bỏ chất chứa vi khuẩn. Liên hệ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai để được hướng dẫn, tư vấn; lấy mẫu xét nghiệm làm kháng sinh đồ để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

2.5. Sán lá đơn chủ

– Tác nhân gây bệnh: là do ký sinh trùng Gyrodactylus sp gây ra.

– Dấu hiệu bệnh lý: Ký sinh trùng bám vào vây đuôi,vây lưng và ăn mòn các phần trên

– Trị bệnh: Tắm Formaline, Bropol; đồng thời cho ăn Praziquantel, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Nguyễn Duy Triệu – Phòng Chăn nuôi, Thủy sản.

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số