Thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm, LMLM và tai xanh ngày 21/02/2016

Gửi lúc: 15:46, Ngày: 24-02-2016

 I. TÌNH HÌNH DỊCH

1.1. Dịch Cúm gia cầm
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh tại các địa phương.
Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N6 tại xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An chưa qua 21 ngày (đã qua 08 ngày).
1.2. Dịch Lở mồm long móng gia súc (LMLM)
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh tại các địa phương.
Hiện nay, cả nước có 13 ổ dịch LMLM xảy ra tại 7 huyện của 03 tỉnh chưa qua 21 ngày, cụ thể:
(1) Tỉnh Bắc Kạn có 07 ổ dịch tại 02 huyện:
a. Huyện Pác Nặm có 02 ổ dịch tại các xã: Bằng Thành (đã qua 20 ngày) và Cao Tân (đã qua 10 ngày);
b. Huyện Ngân Sơn có 05 ổ dịch tại các xã Thuần Mang (đã qua 15 ngày), Trung Hòa (đã qua 19 ngày), Lãng Ngâm, Thượng Quan và thị trấn Nà Phặc (đã qua 06 ngày).
(2) Tỉnh Hà Tĩnh có 02 ổ dịch tại 02 huyện:
a. Huyện Kỳ Anh có 01 ổ dịch tại xã Kỳ Phú;
b. Huyện Cẩm Xuyên có 01 ổ dịch tại xã Cẩm Mỹ.
(3) Tỉnh Quảng Trị có 04 ổ dịch tại 03 huyện:
a. Huyện Gio Linh có 02 ổ dịch tại các xã Gio Mai và Gio Mỹ;
b. Huyện Triệu Phong có 01 ổ dịch tại xã Triệu Sơn;
c. Huyện Cam Lộ có 01 ổ dịch tại thị trấn Cam Lộ.
1.3. Dịch Tai xanh trên lợn
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch phát sinh tại các địa phương.
Từ đầu tháng 12/2015 đến nay, cả nước không có dịch Tai xanh xảy ra.
1.4. Nhận định tình hình dịch
Cúm gia cầm:
Ổ dịch Cúm gia cầm vừa qua xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại một vài hộ chăn nuôi gia đình, chưa được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và đã được địa phương phát hiện, xử lý kịp thời nên không có hiện tượng lây lan; đến nay cơ bản đã kiểm soát được các ổ dịch.
Tuy nhiên, hiện nay do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan là rất cao, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như vi rút H7N9; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Dịch LMLM: Trong thời gian vừa qua, các ổ dịch LMLM xảy ra chủ yếu ở dạng nhỏ lẻ. Nguy cơ mầm bệnh phát tán làm dịch lây lan rộng trong các vùng là rất cao. Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các tỉnh có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành chủng vi rút cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2016 (văn bản số 153/TY-DT ngày 25/01/2016) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
II. CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH
– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành:
Công điện số 10598/CĐ-BNN-TY ngày 28/12/2015 về việc tăng cường công tác phòng, chống vi rút cúm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người; Chỉ thị số 685/CT-BNN-TY ngày 25/01/2016 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm dịp trước và sau Tết Bính Thân 2016.
– Ngày 17/02/2016, Bộ trưởng đã phê duyệt Quyết định số 476/QĐ-BNN-TY về Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM giai đoạn 2016-2020.
– Lãnh đạo và chuyên viên của Cục Thú y, các Cơ quan Thú y vùng, các Trung tâm chuyên ngành đang tập trung kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thú y địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo quy định./.

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số