TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI CẢ NƯỚC NĂM 2019

Gửi lúc: 7:23, Ngày: 07-01-2020

TÌNH HÌNH CHUNG

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2019 là một năm gặp nhiều biến cố đối với ngành chăn nuôi nói chung và đặc biệt là chăn nuôi lợn, do chịu thiệt hại nặng nề từ dịch tả lợn châu Phi, sản lượng thịt lợn giảm sâu dẫn đến tổng sản lượng thịt hơi các loại giảm gần 4% so với năm 2018. Tỷ trọng sản lượng các loại thịt hơi có sự thay đổi đáng kể so với năm 2018 khi có dịch, năm 2019 tỷ trọng sản lượng thịt lợn và thịt gia cầm chiếm tương ứng là 65,6% và 25,5% trong tổng sản lượng thịt hơi các loại. Đàn gia cầm phát triển tốt, sản lượng đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15%; sản lượng thịt bò ước đạt 0,35 triệu tấn, tăng 4,4%; sản lượng sữa tươi đạt 1,03 triệu tấn, tăng 10% (trong đó thể hiện rõ xu hướng chuyển đổi cơ cấu về chất; Tỷ lệ bò lai tăng lên 64,7%, đàn bo sữa tăng lên 367 ngàn con); sản lượng trứng ước đạt 13,0 tỷ quả, tăng 12%; với năm 2018.

Chăn nuôi lợn:

Ngành chăn nuôi lợn đã và đang phải đối mặt với cơn khủng hoảng lớn khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và lan rộng ra 63 tỉnh thành trên cả nước. Tổng đàn lợn sụt giảm mạnh, do đó sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong năm 2019 cũng giảm sâu so với năm 2018. Theo số liệu tính toán của Tổng cục Thống kê, ước tính tổng đàn lợn của cả nước tháng 12 năm 2019 giảm 25,5% so với cùng thời điểm năm 2018; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước đạt 3.289,7 nghìn tấn, giảm 13,8% so với năm 2018 (quý IV ước đạt 731,0 nghìn tấn, giảm 26,3%).

Sản lượng thịt lợn trong quý IV giảm sâu do tổng đàn lợn đã liên tục giảm từ các tháng trước. Nguồn cung trong nước thiếu hụt cùng với diễn biến thị trường quốc tế phức tạp là nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn tăng rất cao và nhanh trong thời gian qua. Tính đến giữa tháng 12/2019, giá thịt lợn hơi tại miền Bắc đã dao động từ 80.000 đồng/kg tới 94.000 đồng/kg, theo dự báo, giá thịt lợn vẫn đang trong chiều hướng tăng và chưa có dấu hiệu giảm trở lại, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong những ngày giáp Tết.

Chăn nuôi gia cầm:

Đàn gia cầm cả nước trong năm vừa qua nhìn chung phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Khi tình hình dịch bệnh ở lợn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm và trứng tăng mạnh do người dân đã chuyển sang sử dụng thịt gia cầm và các loại trứng nhiều hơn. Người chăn nuôi gia cầm cũng yên tâm mở rộng quy mô đàn. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 12 tăng 14,2 % so với cùng thời điểm năm 2018; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm ước đạt 1278,6 nghìn tấn, tăng 16,5% so với năm 2018 (quý IV ước đạt 340,0 nghìn tấn, tăng 19,4%); sản lượng trứng gia cầm cả năm ước đạt 13,3 tỷ quả, tăng 14,0% (quý IV ước đạt 3,5 tỷ quả, tăng 16,9%).

Chăn nuôi trâu, bò:

Đàn trâu, bò cả nước phát triển ổn định. Tổng đàn trâu cả nước vẫn giảm dần do hiệu quả kinh tế không cao và môi trường chăn thả bị thu hẹp. Đàn bò phát triển khá do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức tốt, người chăn nuôi có lãi ổn định. Chăn nuôi bò sữa phát triển tốt do nhiều tỉnh có đề án phát triển bò sữa. Ước tính tổng số trâu của cả nước tháng 12 giảm 3,1%; tổng số bò tăng 2,4% so với cùng thời điểm năm 2018; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước đạt 95,1 nghìn tấn, tăng 3,2% so với năm 2018 (trong đó, quý IV ước đạt 24,5 nghìn tấn, tăng 3,5%); sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng cả năm 2019 ước đạt 349,2 nghìn tấn, tăng 4,4% (quý IV ước đạt 84,3 nghìn tấn, tăng 5,0%); sản lượng sữa bò tươi cả năm ước đạt 1029,6 nghìn tấn, tăng 10,0% (quý IV ước đạt 260,9 nghìn tấn, tăng 12,1%).

Tình hình dịch bệnh

Theo thông tin từ Cục Thú y đến ngày 19/12/2019:

– Dịch cúm gia cầm: cả nước có 01 ổ dịch CGC A/H5N6 tại tỉnh Tuyên Quang và 01 ổ dịch CGC A/H5N1 tỉnh Vĩnh Long chưa qua 21 ngày.

– Dịch lợn tai xanh: hiện nay, không có dịch tai xanh xảy ra.

– Dịch lở mồm long móng: Hiện nay, cả nước có 86 ổ dịch LMLM tại 86 xã thuộc 32 huyện của 12 tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Cao Bằng, Sơn La và Bến Tre chưa qua 21 ngày; tổng số trâu, bò mắc bệnh là 2.035 con.

– Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP): Lũy kế từ đầu tháng 02/2019 đến ngày 19/12/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 8.527 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5.957.857 con với tổng trọng lượng là 340.823 tấn; trong đó:

+ Có 2.445 xã thuộc 472 huyện của 61 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 1.774.538 con chưa qua 30 ngày.

+ Có 6.082 xã thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố với tổng số tiêu hủy là 4.183.319 con đã qua 30 ngày. Hiện tại, tỉnh Hưng Yên (đã hết dịch) và tỉnh Hải Dương đã có 100% số xã đã qua 30 ngày; 22 tỉnh, thành phố có trên 85% số xã đã qua 30 ngày gồm: Lạng Sơn, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hải Phòng, An Giang, Tp. Cần Thơ, Gia Lai, Bình Phước, Tp. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương, Hậu Giang, Tây Ninh, Tp. Hà Nội, Long An, Bắc Kạn, Sơn La và Điện Biên.

+ Có 599 xã thuộc 249 huyện của 47 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó phát sinh bệnh trở lại.

NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH

– Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi trên cơ sở điều chỉnh Chiến lược phát triển chăn nuôi; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (trọng tâm là tăng gà lông màu, vịt đẻ trứng) và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn; tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng.

– Phát triển chăn nuôi trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức hữu cơ truyền thống; mở rộng chăn nuôi áp dụng VietGAP; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Tỷ lệ gia súc được chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp đạt 41 – 43%, gia cầm đạt 50 – 55%; số lượng gà được nuôi theo quy trình VietGAP đạt 19 – 20%, lợn đạt 5,5 – 5,8%. – Tiếp tục phát triển giống vật nuôi chất lượng cao phục vụ sản xuất; ưu tiên nhập khẩu giống tốt, chọn tạo đàn giống thích hợp cho mỗi vùng sinh thái; tiếp tục

cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò, nạc hóa đàn lợn…; lai tạo và công bố một số tổ hợp lai gà thả vườn có năng suất, chất lượng cao, chi phí thức ăn thấp, lựa chọn và phát triển các giống gà đặc sản gắn với từng vùng miền; phổ biến rộng rãi các giống thủy cầm lai chuyên thịt hoặc chuyên trứng.

– Duy trì sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi (trọng tâm là quản lý các chất chính và chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi), giảm chi phí sản xuất, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đối với chăn nuôi nông hộ cần phổ biến cách thức sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả an toàn, khuyến khích người dân tận dụng lao động tự phối trộn thức ăn.

– Công tác thú y: Kiểm soát tốt dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, trọng tâm là bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tăng cường hoạt động kiểm dịch thú y, tổ chức kiểm soát ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm… qua biên giới. Đẩy mạnh kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế sản phẩm động vật và giám sát tồn dư hóa chất, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, trứng, sữa và mật ong; xây dựng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh…

Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 3,4%, giá trị gia tăng trên 3,2%. Tổng đàn bò đạt 5.950 nghìn con, đàn lợn đạt 27,25 triệu con, đàn gia cầm đạt 496,5 triệu con; sản lượng thịt hơi các loại đạt 5,3 triệu tấn; sản lượng trứng các loại khoảng 14,15 tỷ quả tăng 7,6%; sản lượng sữa đạt trên 1,15 triệu tấn tăng 9,6%; sản lượng mật ong là 27,5 nghìn tấn tăng 10,9%; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 17,5 triệu tấn, tăng 9,4% so với năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trên 0,7 tỷ USD.

THỊ TRƯỜNG CHĂN NUÔI

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 12 năm 2019 ước đạt 65 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2019 ước đạt 710 triệu USD, tăng 10,6% so với năm 2018.

Giá lợn nạc giao tháng 12/2019 thị trường Chicago, Mỹ biến động tăng trong tháng qua với mức tăng 1,325 UScent/lb lên 69,5 UScent/lb với hy vọng rằng một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 do Washington và Bắc Kinh công bố sẽ kích thích Trung Quốc nhập khẩu thêm nhiều thịt lợn.

Trong tháng 12/2019, giá lợn hơi trong nước biến động tăng mạnh do nguồn cung giảm.

Tại miền Bắc, giá lợn hơi tăng 15.000 – 18.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại Bắc Giang lên tới 92.000 đ/kg; Tuyên Quang có nơi lên 88.000 – 89.000 đ/kg. Tại Chương Mỹ, giá lợn có nơi đã lên tới 93.000 đ/kg. Các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Ba Vì dao động quanh mức 92.000 đ/kg; Hà Nam đạt khoảng 88.000 – 92.000 đ/kg. Tại Nam Định, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, lợn hơi được thu mua trong khoảng 85.000 – 88.000 đ/kg. Như vậy, giá lợn tại khu vực đang giao dịch ở mức rất cao 85.000 – 93.000 đ/kg.

Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên đang dao động trong khoảng 74.000 – 82.000 đ/kg, tăng 9.000 – 11.000 đ/kg. Mức giá cao nhất tại khu vực tập trung ở Bắc Trung Bộ, đạt 82.000 đ/kg. Còn những tỉnh, thành còn lại báo phổ biến ở mức 74.000 – 75.000 đ/kg. Tính chung toàn miền, giá trung bình đạt khoảng 76.000 đ/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng biến động tăng, mức tăng từ 8.000 – 12.000 đ/kg với giá lợn đạt trên 80.000 đ/kg tại nhiều nơi, như thủ phủ nuôi lợn Đồng Nai đạt 85.000 đ/kg; Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh cũng báo ở mức 83.000 đ/kg. Còn các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang dao động quanh 80.000 – 81.000 đ/kg. Những tỉnh, thành gồm Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, TP HCM, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ… có lợn hơi giao dịch ở mức 72.000 – 79.000 đ/kg.

Nhìn chung cả năm 2019, giá lợn hơi biến động giảm là chủ đạo trong 3 quý đầu năm và tăng mạnh trong quý cuối cùng của năm. So với cuối năm 2018, giá lợn hơi miền Bắc tăng 41.000 – 44.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên tăng 31.000 – 34.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam tăng 29.000 – 34.000 đ/kg.

Giá thu mua gà thịt lông màu tại trại ở Đông Nam Bộ và ĐBSCL tăng 4.000 đ/kg so với tháng 11/2019 lên mức 41.000 – 42.000 đ/kg. Giá thu mua gà thịt lông trắng tại hai khu vực này tăng 4.000 – 6.000 đ/kg lên 38.000 – 39.000 đ/kg. Giá trứng gà tại trại giảm 150 – 200 đồng/quả xuống còn 1.450 – 1.550 đ/quả. Giá gà tăng là do vào tháng 9/2019, giá gà giảm mạnh khiến nhiều cơ sở chăn nuôi đua nhau bán để cắt lỗ nên nguồn cung giảm mạnh tới 30-40% đã đẩy giá gà tăng trở lại.

Bên cạnh đó, do dịch tả lợn châu Phi lan rộng, nguồn cung thịt lợn giảm khiến giá lợn tăng vọt, người dùng chuyển sang tiêu thụ thịt gà. Dự báo, giá thịt lợn thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao do nhu cầu tăng cao cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.

Tình hình xuất, nhập khẩu:

Thức ăn gia súc và nguyên liệu NK:

Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 12 năm 2019 ước đạt 269 triệu USD, đưa tổng giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu năm 2019 ước đạt 3,66 tỷ USD, giảm 6,4% so với năm 2018.

Achentina, Hoa Kỳ và Brazil là 3 thị trường nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019, chiếm thị phần lần lượt là 40%, 16,7% và 6%. Trong đó, thị trường tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2018 là Hungari (gấp 3,09 lần). Ngược lại, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Brazil giảm mạnh nhất, với mức giảm là 52,1%.

Lúa mì NK:

Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì tháng 12 năm 2019 đạt 214 nghìn tấn với giá trị đạt 52 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu năm 2019 ước đạt 2,78 triệu tấn và 719 triệu USD, giảm 43,4% về khối lượng và giảm 39,1% về giá trị so với năm 2018.

Ba thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 11 tháng đầu năm 2019 là Australia, Nga và Canada với thị phần lần lượt là 34,7%, 31% và 11,4%. Trong 11 tháng đầu năm 2019, thị trường có giá trị nhập khẩu lúa mì tăng mạnh nhất là Ấn Độ (gấp 11,9 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị nhập khẩu lúa mì giảm mạnh nhất là Nga (-67,4%) so với cùng kỳ năm 2018.

Ngô NK:

Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu tháng 12 năm 2019 đạt 1,27 triệu tấn với giá trị đạt 252 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị ngô nhập khẩu năm 2019 ước đạt 11,65 triệu tấn và 2,35 tỷ USD, tăng 15,1% về khối lượng và tăng 11,6% về giá trị so với năm 2018.

Achentina và Brazil là hai thị trường nhập khẩu ngô chính trong 11 tháng đầu năm 2019, chiếm thị phần lần lượt là 63,1% và 34,4% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Trong 11 tháng đầu năm 2019, khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô tăng mạnh nhất là Brazil với mức tăng là gấp 2,09 lần về khối lượng và gấp 2,05 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Đậu tương NK:

Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu tháng 12 năm 2019 đạt 49 nghìn tấn với giá trị 21 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị đậu tương nhập khẩu năm 2019 ước đạt 1,58 triệu tấn và 629 triệu USD, giảm 13,5% về khối lượng và giảm 18,7% về giá trị so với năm 2018.

Sắn và các sản phẩm từ sắn XK:

Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 12 năm 2019 ước đạt 286 nghìn tấn với giá trị đạt 117 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn năm 2019 ước đạt 2,5 triệu tấn và 973 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng và tăng 1,6% về giá trị so với năm 2018. Trong 11 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 89,2% thị phần, tăng 0,6% về khối lượng nhưng giảm 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com

 

 

 

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số