TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI THÁNG 6/2017

Gửi lúc: 7:29, Ngày: 03-07-2017
TÌNH HÌNH CHUNG (mới cập nhật) Ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2017 gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, đặc biệt là chăn nuôi lợn, nguyên nhân do những năm trước tình hình chăn nuôi thuận lợi, giá cả ổn định nên người dân đầu tư mở rộng đàn, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu khiến cho giá thịt lợn giảm sâu, người chăn nuôi chịu thua lỗ nặng. Đàn lợn cả nước ước tính đến tháng 6 giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 2.202 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến những tháng gần đây, giá trứng gà đang tiếp tục giảm khiến người chăn nuôi gà lại bị thua lỗ. Đàn gia cầm cả nước ước tính đến tháng 6 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 573 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, ngành gia cầm lại rơi vào khó khăn khi giá trứng đang sụt giảm mạnh, bình quân trong 6 tháng qua chỉ ở mức 800 – 1.000 đồng/quả khiến người chăn nuôi bị lỗ từ 300 – 500 đồng/quả.

Chăn nuôi trâu, bò: Đàn trâu, bò cả nước phát triển khá ổn định trong 6 tháng đầu năm do không có thiên tai, dịch bệnh lớn xảy ra, thời tiết thuận lợi, không có các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến chăn nuôi trâu, bò như những năm trước. Đàn bò cả nước đang phát triển tốt do hiệu quả kinh tế cao và nhiều dự án phát triển chăn nuôi bò đã được triển khai, mở rộng, đặc biệt là bò sữa. Đàn trâu cả nước ước tính đến tháng 6 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2016; Đàn bò tăng 2,3%, trong đó đàn bò sữa tăng 5,2%. Sản lượng thịt trâu hơi 6 tháng ước đạt 51 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; Sản lượng thịt bò hơi ước đạt 201 nghìn tấn, tăng 5,2%; Sản lượng sữa tươi ước đạt 434 nghìn tấn, tăng khoảng 13,2%.
Chăn nuôi lợn: Tình hình chăn nuôi lợn vẫn còn nhiều khó khăn do giá thịt lợn ở mức thấp, người chăn nuôi vẫn chịu thua lỗ dẫn đến tình trạng giảm đàn, bỏ đàn. Đàn lợn cả nước ước tính đến tháng Sáu giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 2.202 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Chăn nuôi gia cầm: Những tháng đầu năm 2017, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện rải rác tại một số tỉnh nhưng hiện tại cả nước đã không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm. Những tháng gần đây, giá trứng gà đang tiếp tục giảm khiến người chăn nuôi gà lại bị thua lỗ. Đàn gia cầm cả nước ước tính đến tháng 6 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng gia cầm hơi xuất chuồng 6 tháng ước đạt 573 nghìn tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; trứng gia cầm đạt 5,6 tỷ quả, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016


Dịch bệnh: Theo Cục Thú y, tính đến thời điểm 27/06/2017, tình hình dịch bệnh trong cả nước như sau:
Dịch Cúm gia cầm (CGC)
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
Hiện nay, cả nước không có dịch Cúm gia cầm.
Dịch Lở mồm long móng gia súc (LMLM)
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
Hiện nay, cả nước không có dịch LMLM.
Dịch Tai xanh trên lợn
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
Hiện nay, cả nước không có dịch Tai xanh.
Nhận định tình hình dịch
Cúm gia cầm: Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Lở mồm long móng: Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
Tai xanh trên lợn: Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.
Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2016 (văn bản số 2151/TY-DT ngày 24/10/2016) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM CHĂN NUÔI
Gần đây, mặc dù lượng xuất khẩu thịt qua cửa khẩu tăng nhưng với nguồn cung dồi dào, sức tiêu thụ chậm khiến giá lợn hơi tại nhiều địa phương trong tháng 6/2017 vẫn tiếp tục giảm. Cụ thể là, tại nhiều địa phương như Kiên Giang, An Giang, Trà Vinh, Nam Định giá đã giảm từ 1.000 – 4.000 đ/kg so với hồi đầu tháng và hiện có mức giá lần lượt là 25.000 đ/kg tại Kiên Giang và An Giang; 22.000 đ/kg tại Trà Vinh và Nam Định. Nhìn lại 6 tháng vừa qua, do nguồn cung dồi dào bởi Trung Quốc giảm mua, giá lợn hơi tại nhiều địa phương đã giảm mạnh. Theo đó, giá thu mua tại Vĩnh Long đã giảm 11.000 đ/kg so với hồi đầu năm, xuống còn 24.000 đ/kg; tại An Giang giảm 8.000 đ/kg, xuống còn 25.000 đ/kg; Đồng Nai giảm 7.000 – 9.000 đ/kg, xuống còn 23.000 – 26.000 đ/kg.
Bên cạnh đó, sức mua thịt gia cầm giảm, ảnh hưởng tiêu cực tới giá gia cầm. Cụ thể là, giá gà lông màu tại các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL đều đã giảm 5.000 đ/kg so với hồi đầu tháng, xuống mức 23.000 – 25.000 đ/kg. Gà lông trắng đã giảm 1.000 – 2.500 đ/kg xuống mức 23.000 đ/kg tại Đông Nam Bộ và 24.000 đ/kg tại ĐBSCL so với đầu tháng. Nhìn lại 6 tháng vừa qua, giá gà lông màu tại các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL đều đã giảm 18.000 – 19.000 đ/kg so với thời điểm đầu năm; gà lông trắng đã giảm khoảng 1.000 đ/kg.
Không chỉ có giá thịt gà, vịt giảm mạnh mà hiện nay giá trứng gà, vịt tại các trang trại, hộ chăn nuôi cũng đang giảm sâu. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, giá trứng gà xuất bán tại trang trại chỉ còn 900-1.300 đ/quả (tùy loại), giảm khoảng 1.000 đ/quả so với cùng kỳ 2016. Trứng vịt xuất chuồng chỉ còn từ 1.700 – 2.000 đ/quả, giảm 300 – 500 đ/quả so với thời điểm đầu năm 2017. Tại Đồng Nai, hiện giá trứng gà công nghiệp tại các trại chăn nuôi nhỏ lẻ bán ra vẫn ở mức 1.150 đ/quả, giảm khoảng 400 – 500 đ/quả so với hồi đầu năm.
Biểu đồ. Diễn biến giá lợn, gà và vịt hơi (giá tại trại) tại các tỉnh phía Nam
Xem chi tiết tại: http://channuoivietnam.com/bieu-2/
THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU
Thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu:
Ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 6/2017 ước đạt 352 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 6 tháng đầu năm 2017 lên 1,8 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm 2017 là Achentina (chiếm 43,9% thị phần), tiếp đến là Hoa Kỳ (11,1%), Ấn Độ (chiếm 5,2% thị phần) và Trung Quốc (4,4%). Giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm 2017 tăng ở hầu hết các thị trường ngoại trừ thị trường Trung Quốc và thị trường Áo với giá trị giảm lần lượt là 7,4% và 6,6%.Thị trường có tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Italia (tăng hơn 9 lần) tiếp đến là thị trường Ấn Độ (tăng hơn 2 lần).
Đậu tương:
Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 6/2017 đạt 65 nghìn tấn với giá trị 29 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 6 tháng đầu năm 2017 đạt 796 nghìn tấn và 350 triệu USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 13,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Ngô:
Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 6/2017 đạt 383 nghìn tấn với giá trị đạt 76 triệu, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 6 tháng đầu năm 2017 đạt 3,53 triệu tấn và 710 triệu USD, tăng 5,6% về khối lượng và tăng 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Achentina và Braxin là hai thị trường nhập khẩu ngô chính trong 5 tháng đầu năm 2017, chiếm lần lượt là 43,4% và 16,5% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2017, khối lượng nhập khẩu ngô của thị trường Thái Lan tăng hơn 43 lần so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giá trị lại chỉ tăng có hơn 4,2 lần
Sắn và các sản phẩm từ sắn XK:
Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 6 năm 2017 ước đạt 209 nghìn tấn với giá trị đạt 60 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt gần 2 triệu 12 tấn và 489 triệu USD, giảm 7,6% về khối lượng và giảm 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong 5 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 87,3% thị phần, giảm 8,6% về khối lượng và giảm 13,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong 5 tháng đầu năm 2017, thị trường Nhật Bản có giá trị nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam giảm mạnh (94%).

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số