TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI THÁNG 7/2017

Gửi lúc: 7:34, Ngày: 28-07-2017

TÌNH HÌNH CHUNG (mới cập nhật)
Theo Bộ NN&PTNT, tình hình chăn nuôi trâu, bò cả nước trong tháng 7/2017 không có biến động lớn, giá bán ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Ước tính tổng số trâu cả nước tháng Bảy năm 2017 giảm khoảng 0,8%, tổng số bò tăng khoảng 2,2% so với cùng kỳ năm 2016. Chăn nuôi lợn có tín hiệu khả quan do giá thịt lợn đang tăng nhanh, các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tái đàn nhưng số lượng hạn chế, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì ít hoặc không tái đàn. Ước tính tổng số lợn cả nước tháng Bảy năm 2017 giảm khoảng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Chăn nuôi trâu, bò: Đàn trâu, bò cả nước trong tháng không có biến động lớn, giá bán ổn định, không có dịch bệnh xảy ra. Theo số liệu ước tính của TCTK, tổng số trâu cả nước tháng 7 giảm 0,8%, tổng số bò tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Chăn nuôi lợn: Những ngày gần đây, mặc dù giá thịt lợn có dấu hiệu tăng trở lại tuy nhiên người chăn nuôi vẫn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn, hiện tại hầu như chỉ các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn còn tái đàn tuy nhiên số lượng rất hạn chế, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không tái đàn hoặc nếu có thì số lượng rất ít. Ước tính tổng số lợn cả nước tháng 7 giảm 3,3% so với cùng kỳ 2016.
Chăn nuôi gia cầm: Giá trứng gà đang có xu hướng tăng trở lại so với những tháng đầu năm 2017. Theo ước tính của TCTK, tổng số gia cầm của cả nước tháng 7 tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016.
 Dịch bệnh: Theo Cục Thú y, tính đến thời điểm 25/07/2017, tình hình dịch bệnh trong cả nước như sau:
 Dịch Cúm gia cầm (CGC)
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
Hiện nay, cả nước không có dịch Cúm gia cầm.
Dịch Lở mồm long móng gia súc (LMLM)
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
Hiện nay, cả nước không có dịch LMLM.
Dịch Tai xanh trên lợn
Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.
Hiện nay, cả nước không có dịch Tai xanh.
Nhận định tình hình dịch
Cúm gia cầm: Nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng vi rút cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu. Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Lở mồm long móng: Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
Tai xanh trên lợn: Trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.
Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2016 (văn bản số 2151/TY-DT ngày 24/10/2016) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Trong tháng 7/2017, giá lợn tăng mạnh ngoài yếu tố Trung Quốc nhập hàng trở lại, còn là do trong giai đoạn vừa qua, số lợn đến kỳ xuất chuồng được bán đồng loạt một lúc nên lứa lợn kế tiếp chưa kịp lớn. Tại Đồng Nai, trong tháng giá lợn hơi tăng từ 22.000 đ/kg lên 42.000 đ/kg vào.
Tại Vĩnh Long, Bạc Liêu, giá lợn hơi đã tăng 16.000 – 18.000 đ/kg so với hồi đầu tháng, với mức giá hiện tại là 38.000 – 41.000 đ/kg. Tại các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Định, giá lợn hơi sau khi tăng khoảng 18.000 đ/kg, đã có lúc tăng lên mức hơn 40.000 đ/kg, mặc dù cũng có thời điểm giảm xuống mức 30.000-35.000 đ/kg. Đồng thời, giá lợn hậu bị và lợn con giống tăng cao.
Tại Đồng Nai, lợn hậu bị do công ty cung cấp cũng đã tăng từ 5,5 triệu đ/con, lên hơn 7 triệu đ/con. Tại Bến Tre, lợn con (trọng lượng 15-20kg), hiện đang có mức giá là 1 – 1,2 triệu đ/con. Giá lợn tăng cũng đã đẩy giá thu mua gia cầm tại một số tỉnh phía Nam cũng đã nhích 2.000 – 4.000 đ/kg so với đầu tháng và hiện ở mức giá là 23.000 – 25.000 đ/kg; gà lông màu là 24.000 – 26.500 đ/kg.
 
Biểu đồ. Diễn biến giá lợn, gà và vịt hơi (giá tại trại) tại các tỉnh phía Nam
Xem chi tiết tại: http://channuoivietnam.com/bieu-2/
THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU
Thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu: 
Theo Bộ NN&PTNT, ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 7/2017 ước đạt 258 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 7 tháng đầu năm 2017 lên 2,03 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm 2017 là Achentina (chiếm 46,6% thị phần), tiếp đến là Hoa Kỳ (9,5%), Ấn Độ (chiếm 4,6% thị phần) và Trung Quốc (4,3%). Giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng ở hầu hết các thị trường ngoại trừ Trung Quốc, Áo và Thái Lan với giá trị giảm lần lượt là 29,5%, 19,5% và 1%.Thị trường có tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Italia (tăng hơn 10 lần) tiếp đến là thị trường Ấn Độ (tăng hơn 2 lần).
Đậu tương:
Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 7/2017 đạt 47 nghìn tấn với giá trị 21 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 972 nghìn tấn và 422 triệu USD, tăng 10,1% về khối lượng và tăng 16,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Ngô:
Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 7/2017 đạt 490 nghìn tấn với giá trị đạt 94 triệu, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 7 tháng đầu năm 2017 đạt 4,13 triệu tấn và 825 triệu USD, tăng 9% về khối lượng và tăng 11,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Achentina và Braxin là hai thị trường nhập khẩu ngô chính trong 6 tháng đầu năm 2017, chiếm lần lượt là 49,5% và 15,1% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2017, khối lượng nhập khẩu ngô của thị trường Thái Lan gấp 14,9 lần so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giá trị lại chỉ gấp 3,54 lần.
Sắn và các sản phẩm từ sắn XK:
Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 7 năm 2017 ước đạt 255 nghìn tấn với giá trị đạt 62 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 2,28 triệu tấn và 565 triệu USD, giảm 1% về khối lượng và giảm 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 87,1% thị phần, giảm 2,4% về khối lượng và giảm 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2017, thị trường Nhật Bản có giá trị nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam giảm mạnh (-71,6%).

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số