Triển khai dịch vụ công trực tuyến phải có hành động và khởi sắc cụ thể

Gửi lúc: 8:20, Ngày: 09-02-2017

“Chúng ta phải dứt khoát chuyển biến theo tinh thần Chính phủ hành động, phải có hành động cụ thể, khởi sắc cụ thể. Hôm nay bàn về xây dựng và cung ứng dịch vụ công trực tuyến, chúng ta phải thực hiện rất đồng bộ, toàn diện Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 33a/NQ-CP về Chính phủ điện tử” – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã khẳng định như vậy khi chủ trì họp ban Chỉ đạo về dịch vụ công trực tuyến của Bộ, diễn ra ngày 8/2.

Những thành công bước đầu

Trong năm 2016, Bộ NN&PTNT đã hoàn thành thành xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ (địa chỉ tại https://dvc.mard.gov.vn); Cập nhật, công khai các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của Bộ thực hiện cung cấp trực tuyến mức độ 2 trên Cổng (tuy nhiên, đến nay một số đơn vị chưa chuẩn hóa xong TTHC để cập nhật, công khai, như: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Cục Chăn nuôi….). Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã kết nối với các dịch vụ công thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia, cung cấp trực tuyến mức độ 3 đối với 9 TTHC thực hiện tại 7 đơn vị thuộc Bộ; Tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến cho 106 doanh nghiệp lĩnh vực Bảo vệ thực vật và 515 doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi trên cả nước.

Đến nay, Bộ đã xây dựng,cung cấp DVCTT mức độ 4 cho 8 TTHC thực hiện đối với: Nhóm dịch vụ công “Cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật” thực hiện 5 TTHC tại Cục Bảo vệ thực vật, gồm: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật (cấp mới); Cấp gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật; Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đối với trường hợp mất, sai sót, hư hỏng; Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đối với trường hợp đổi tên thương phẩm, thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân đăng ký; Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật đối với trường hợp thay đổi nhà sản xuất. Nhóm dịch vụ công “Công nhận thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước được phép lưu hành tại Việt Nam” thực hiện 3 TTHC tại Cục Chăn nuôi, gồm: Công nhận thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước được phép lưu hành tại Việt Nam; Công nhận thay đổi thông tin của thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước đã được phép lưu hành tại Việt Nam; Công nhận lại thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước được phép lưu hành tại Việt Nam.

Đáng lưu ý, Cục Chăn nuôi đã nhận hồ sơ đăng ký chính thức và thực hiện xử lý trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công của Bộ; từ ngày 15/02/2017, Cục sẽ thực hiện tiếp nhận hồ sơ điện tử (không dùng bản giấy). Tính đến 6/2, tổng hồ sơ tiếp nhận trên hệ thống là 36.999 hồ sơ, trong đó Cục Chăn nuôi tiếp nhận 18.843 hồ sơ; các tổ chức được Cục chỉ định tiếp nhận 18.156 hồ sơ. Tổng số hồ sơ đã được phê duyệt Giấy đăng ký là 36.282 hồ sơ, chiếm 98%; số hồ sơ đang xử lý là 717 hồ sơ (chiếm 2%).

Bà Quách Tố Nga, Chánh văn phòng Cục Chăn nuôi dẫn nguồn tin cho hay, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp, không mất thời gian gửi, nhận kết quả qua đường bưu điện hoặc phải cử cán bộ trực tiếp đến các cơ quan kiểm tra và đã giảm được thời gian cho việc đăng ký này tới 50%, thậm chí là 70-80%. “Khi thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cứ 1 lô hàng khi thông quan tiết kiệm được chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là 75 USD. Như vậy, với 36.282 lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đã được thông quan khi thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, thì tổng chi phí đã tiết kiệm được là 2.721.150 USD, khoảng 60 tỷ đồng”- bà Nga dẫn thông tin từ Bản tin Tài chính kinh doanh trên VTV1 phát ngày 15/11/2016. Cũng theo bà Nga, riêng chi phí chuyển phát nhanh cho số hồ sơ kể trên nay chuyển qua điện tử đã tiết kiệm được trên 700 triệu đồng.

Mặc dù đem lại nhiều lợi ích thiết thực với doanh nghiệp, người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước, nhưng việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các đơn vị cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc do phần mềm chưa hoàn thiện như mong muốn, một số thủ tục vẫn phải lưu bằng hồ sơ giấy, thậm chí phải cấp bản cứng… nên vẫn phải thực hiện song song cả hai cách: giải quyết hồ sơ trực tuyến và cấp bản cứng cho doanh nghiệp.

Làm tốt khen thưởng, không tốt bêu tên


Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Hà Công Tuấn biểu dương Cục Chăn nuôi, Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai thành công bước đầu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. “Thành công vừa qua các đơn vị làm được là người đứng đầu và có một số cán bộ, không nhiều người lắm đâu. Đúng là phải có trình độ về tin học, nhưng không chỉ có thế mà phải học đại học 3-5 năm, có kinh nghiệm trong quản lý; gốc con người nắm chuyên môn nghiệp vụ là quan trọng” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, cái gốc của vấn đề là đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các đơn vị cần rà soát lại xem thủ tục nào không cần thiết thì cắt giảm. “Mục tiêu năm nay dứt khoát chúng ta phải giảm được 15% là tối thiểu về chi phí làm các thủ tục hành chính ở các đơn vị” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị sau khi rà soát thủ tục thì công bố công khai và chuẩn lại quy trình về thủ tục; tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp, ít nhất 2 lần/năm. Ngoài ra, thủ tục hành chính mới phải được thẩm định chặt chẽ trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ trưởng giao Vụ Tổ chức Cán bộ chủ trì, theo dõi, giám sát đánh giá ai làm tốt có khen thưởng kịp thời, ai không làm tốt thì bêu tên, cắt thi đua. “Trong tháng 2/2017, Vụ KHCN và Trung tâm Tin học và Thống kê phải trình được với Bộ modun tổng thể về cấu trúc mạng của Bộ, các đơn vị của Bộ và kế hoạch triển khai chương trình tin học hóa Chính phủ điện tử; Vụ Tổ chức Cán bộ và Trung tâm Tin học và Thống kê đánh giá lại thực chất ngay trong tháng 2 về thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở các đơn vị; đồng thời trình với Bộ để công nhận những đơn vị, những lĩnh vực, những thủ tục hoàn thành dịch vụ công mức độ 4. Chúng ta phải rất cụ thể những gì làm cấp độ 4 trong giai đoạn 2017, cái gì làm ở cấp độ 3” – Thứ trưởng Hà Công Tuấn chỉ đạo và cho rằng trong năm 2017, Bộ NN&PTNT sẽ ưu tiên các lĩnh vực: kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật, quản lý vật tư nông nghiệp.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng lưu ý các đơn vị phát huy tinh thần chủ động triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao nhất; có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và cũng không phải cứng nhắc chỉ làm theo kế hoạch như đã báo cáo với Bộ./.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 là vấn đề khó từ nhận thức, tư tưởng, khó đối với những giải pháp thực hiện từ thể chế chính sách đến biện pháp kỹ thuật để thực hiện, đòi hỏi chúng ta phải nhất quán thực hiện kiên trì, kiên quyết; người đứng đầu các cơ quan từ trung ương đến các bộ, các đơn vị thuộc Bộ, đến các địa phương phải nâng cao tinh thần trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn

(K.Lực)

Chi cục Chăn nuôi và thú ý lào cai

Quá Trình Hình Thành Và Phát Triển: Chi cục Chăn nuôi và Thú y là cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống chuyên ngành thú y từ Trung ương đến địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Lào Cai ngày nay đã có quá trình ...
Xem tiếp

Chương trình công tác

  • Hỏi đáp
  • Chuyển đổi số