1. Nguồn bệnh và thời gian ủ bệnh:
– Nguồn bệnh chủ yếu là chó (trên 90%), mèo nuôi và động vật hoang dã như chó sói, chó hoang, chồn, cầy, cáo và một số loài động vật có vú khác.
– Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn, phụ thuộc vào sức khoẻ, tình trạng nặng, nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
2. Các biểu hiện của bệnh: có 2 thể điển hình
– Thể điên cuồng: Con vật có biểu hiện khác thường như bồn chồn, đi lại không yên, ngơ ngác, sợ ánh sáng, bỏ ăn chảy nhiều nước dãi, ban đêm kêu hú không ngủ, sau đó chó mất phản xạ quen chủ, lên cơn điên dại, tấn công dữ dội vào mọi người kể cả chủ, chạy rông trên đường phố, mắt đỏ ngầu, chui vào góc tối, lên cơn co giật và chết trong vài ngày.
– Thể dại câm: không có các biểu hiện như lên cơn dại điên cuồng. Con vật chỉ buồn bã, bỏ ăn, thường thích nằm im lặng. Cơ nhai và họng bị liệt không ăn, không nuốt được, hàm dưới thường trễ xuống và chảy nhiều nhớt dãi quanh mép, ở thể này con vật không cắn nhưng nước bọt và nhớt dãi chứa vi rút có thể truyền bệnh cho người và động vật khác qua các vết thương hở ngoài da. Con vật chết trong trạng thái bị liệt hoàn toàn sau 2 – 3 ngày phát bệnh. Thể này rất nguy hiểm vì người ta không nghĩ đến bệnh dại nên gia chủ vẫn có thể chăm sóc và vuốt ve.
3. Các biện pháp phòng chống bệnh Dại:
a/. Đối với chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi)
– Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường
– Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó và có người dắt.
– Liên hệ với nhân viên Thú y xã để tiêm vắc xin dại hàng năm và có giấy chứng nhận tiêm phòng cho chó nuôi.
– Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị chó cắn theo quy định của pháp luật.
– Chủ vật nuôi không chấp hành việc quản lý chó nuôi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 2 điều 7 của Nghị định 90 và được sửa đổi, bổ sung của Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 của Chính phủ, Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;
+ Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
b/. Khi người bị chó, mèo cắn cần:
– Phải xử lý ngay vết cắn bằng Cồn 70o hoặc cồn Iod đậm đặc, nếu không có cồn sử dụng nước xà phòng đậm đặc rửa nhiều lần dưới vòi nước sạch để làm giảm tối đa số lượng vi rút dại xâm nhập vào người; cần đến ngay Trung tâm y tế hoặc Trạm y tế gần nhất để được tư vấn liệu trình điều trị dự phòng, tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam.
– Chó cắn người cần xích nhốt và nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày. Nếu phát hiện bệnh phải tiêu hủy theo quy định.
c/. Để phòng chống bệnh dại chó, bảo vệ tính mạng con người và cộng đồng. Các tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo cùng chung tay thực hiện:
– Nuôi chó phải khai báo, đăng ký với chính quyền địa phương.
– Chó bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin dại 1lần/năm.
– Không thả chó chạy rông ngoài đường, nơi công cộng.
– Khi chó cắn người, chủ nuôi phải xích nhốt chó nuôi cách ly và báo cho cơ quan thú y gần nhất để theo dõi.
– Khi người bị chó cắn cần đến ngay cơ sở y tế để tiêm ngừa dại sớm, đầy đủ. Tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam khi bị chó dại cắn.