Chủ động thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống bệnh Nhiệt thán trên địa bàn tỉnh
Theo số liệu tổng hợp của Cục Thú y từ đầu năm 2023 cho đến nay cả nước đã xảy ra 05 ổ dịch Nhiệt thán tại 03 tỉnh Hà Giang, Điện Biên và Lai Châu với tổng số gia súc mắc bệnh và tiêu hủy là 30 con; đặc biệt đã ghi nhận 17 người mắc bệnh. Ngày 19/7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa có Văn bản số 3486/UBND-NLN yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương chủ động thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống bệnh Nhiệt thán trên địa bàn tỉnh.
Bệnh Nhiệt thán (còn gọi là bệnh Than) thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, thuộc Danh mục bệnh phải công bố dịch; bệnh lây truyền giữa động vật và người; bệnh động vật cấm giết mổ và chữa bệnh. Mầm bệnh Nhiệt thán tồn tại bền vững và lâu dài trong môi trường như đất, nước và trong sản phẩm động vật nhiễm bệnh dẫn đến nguy cơ tiếp tục lây lan cho đàn gia súc, từ đó làm tăng nguy cơ lây sang người. Đặc biệt bào tử bệnh Than có thể được sử dụng như một vũ khí khủng bố sinh học. Tại văn bản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt nội dung Văn bản số 2913/UBND-NLN ngày 22/06/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng chống, ứng phó bệnh Nhiệt thán; đồng thời, chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
– Chỉ đạo kiểm soát, ngăn chặn triệt để việc vận chuyển gia súc (trâu, bò, ngựa) và các sản phẩm của chúng vào địa bàn để tiêu thụ (kể cả việc cho tặng); đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
– Phát hiện sớm ổ dịch bệnh, thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn lây lan và nhanh chóng khoanh vùng, dập tắt ổ dịch dịch.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT: Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh Nhiệt thán trên đàn gia súc tại các địa phương, như: Hướng dẫn biện pháp phòng, chống; lấy mẫu xét nghiệm; xử lý ổ dịch phát sinh (chôn, đốt, hóa chất sát trùng); tiêm phòng khẩn cấp, chống dịch…
3. Công an tỉnh: Theo dõi sát diễn biến dịch bệnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương để ngăn chặn, xử lý các thành phần, tổ chức phản động có âm mưu sử dụng bào tử bệnh Than làm vũ khí khủng bố sinh học.
4. Các đơn vị, sở, ngành liên quan (như kính gửi): Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh Nhiệt thán.
Phạm Anh Quốc – Chi cục Chăn nuôi và Thú y.